Thứ bảy, 20/04/2024, 20:10 [GMT+7]

Nhiều dấu ấn tích cực

Thứ ba, 21/05/2019 - 09:40'
(BLC) - Bên cạnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), tỉnh đã có những giải pháp thiết thực song hành với doanh nghiệp phát triển... để lại nhiều dấu ấn thời gian qua.

Lai Châu là tỉnh miền núi có Cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung, trực tiếp giao lưu với vùng lục địa lớn phía Tây Nam của Trung Quốc, gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ đường bộ và đường thủy. Có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế.

Khai thác lợi thế đó, hoạt động KH&CN của tỉnh đã luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội; có số lượng đề tài, dự án KH&CN thực hiện theo cơ chế đặt hàng ngày càng tăng. Kết quả từ các đề tài, dự án góp phần mang lại những nhận thức mới, xây dựng luận cứ khoa học phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả kinh tế, tăng năng suất lao động, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Nhân dân. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả các sản phẩm chủ lực của địa phương như: chè, cá nước lạnh, dược liệu, gạo chất lượng cao...

Đáng nói, các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm trên 60% tổng số nhiệm vụ KH&CN thực hiện mới hàng năm. Từ năm 2016 -2018, toàn tỉnh có 37 đề tài, dự án được triển khai thực hiện (trong đó 28 đề tài, dự án cấp tỉnh; 9 dự án thuộc các Chương trình Quốc gia về KH&CN).

Điển hình, từ kết quả nghiên cứu, phục tráng thành công các giống lúa đặc sản địa phương có giá trị, chất lượng cao như: tẻ râu, khẩy ký, nếp tan Co Giàng; duy trì phát triển giống lúa địa phương và xây dựng mô hình công nghệ chế biến, bảo quản gạo đặc sản địa phương. Từ đó, mở ra triển vọng hình thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Các cơ quan chuyên môn, địa phương tiếp tục lựa chọn một số giống cây trồng bản địa để nhân giống và mở rộng quy mô sản xuất; đưa một số giống cây mới (công nghiệp, lương thực, ăn quả, dược liệu) thực hiện khảo nghiệm trên các vùng sinh thái và địa hình khác nhau nhằm sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai sẵn có. Nghiên cứu, bảo tồn dược liệu quý hiếm chỉ có trên địa bàn như sâm Lai Châu (hay còn gọi là tam thất hoang Mường Tè). Xây dựng mô hình sản xuất 18ha ngô áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác tối thiểu hướng tới sản xuất ngô bền vững trên đất dốc, giảm chi phí công làm cỏ, ngô sinh trưởng tốt, cho năng suất, lợi nhuận cao.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống chè, trồng thâm canh, cải tạo nương chè theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến chè Ô Long tại huyện Tam Đường đã mang lại những kết quả đáng mừng. Cụ thể, xây dựng 2.000m2 vườn nhân giống chè; công suất 200.000 cây giống/năm, giảm 400 đồng/cây so với nhập từ bên ngoài và chủ động nguồn cung; trồng mở rộng thêm 30ha chè kim tuyên theo hướng VietGAP; cải tạo 25ha bằng phương pháp trồng dặm và kỹ thuật canh tác, tăng thu nhập 10 triệu đồng/ha.

Chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ tại 3 huyện: Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ và Chuyển giao công nghệ tỉnh đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất giống nấm và nuôi trồng nấm thương phẩm. Chủ động cung ứng giống nấm ăn cho Nhân dân trong tỉnh và sản xuất một số giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô, giá thành sản phẩm thấp hơn, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoài thị trường.

Công nhân Công ty Cổ phần bêtông Lai Châu sử dụng cẩu trục đặt sản phẩm lên hệ thống con lăn và quay li tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Đối với hoạt động lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tỉnh, Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã xét và đề nghị công nhận, phê duyệt 311 sáng kiến cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2018. Cũng trong thời gian này, Sở ban hành các quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; làm hồ sơ gửi và được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ cho 5 nhãn hiệu chứng nhận: “Chè Tam Đường”, “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”, “Gạo khẩu ký Tân Uyên”; “Gạo tẻ râu Phong Thổ”, “Gạo nếp tan cò giàng Tân Uyên”. Đồng thời, hướng dẫn Hợp tác xã Hoàng Thanh (thành phố Lai Châu) hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rượu 25” cho sản phẩm rượu nếp lọc; Công ty Cổ phần bê tông Lai Châu hoàn thiện đơn gia hạn văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa và Công ty nước sạch Lai Châu, Chè Bảo Ngọc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nước và chè.

Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp đổi mới dây truyền công nghệ gồm: máy tách màu chè của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường; đổi mới công nghệ sản xuất cột bêtông ly tâm dự ứng lực của Công ty Cổ phần bê tông Lai Châu; đổi mới dây truyền sản xuất gạch không nung Terazzo của Công ty TNHH Quốc Tuấn; dây chuyền sản xuất tôn lạnh, tôn múi của Công ty TNHH Phát triển công nghệ và Thương mại Thủy Nam. Kết quả đánh giá sau hỗ trợ, các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao năng suất trong sản xuất và giá trị sản phẩm, tăng doanh thu từ 20 - 30% so với công nghệ chưa đổi mới.

Với sáng kiến “Cải tiến thiết bị dây chuyền sản xuất cột bêtông ly tâm dự ứng lực” của tác giả Lê Văn Khoa - Giám đốc Công ty Cổ phần bêtông Lai Châu (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu), đơn vị không chỉ có năng suất lao động, số lượng sản phẩm tăng gấp đôi, độ chính xác tuyệt đối mà còn vinh dự đoạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III năm 2018.

Anh Khoa chia sẻ: Nhận thấy việc sản xuất cột bêtông thủ công có sự hỗ trợ của một số máy móc không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực nhiều, chi phí lớn mà hiệu suất lao động không cao. Tháng 5/2015, Công ty quyết định nhập dây chuyền hiện đại nhưng lại xuất hiện lỗi kỹ thuật, một số thiết bị hoạt động chưa đồng bộ, bán tự động. Sau khi đi khảo sát, nghiên cứu, năm 2016, tôi quyết định cải tiến dây chuyền và được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Nhờ đó, dây chuyền cải tiến thành công và Công ty là đơn vị đầu tiên của tỉnh áp dụng công nghệ sản xuất cột bêtông dự ứng lực, được khách hàng đánh giá cao.

Với sự quan tâm của tỉnh, hỗ trợ tích cực từ Bộ KH&CN, nhà khoa học cùng các tổ chức và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ, chắc chắn hoạt động KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Lai Châu sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

Kim Oanh - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...