Thứ tư, 24/04/2024, 07:04 [GMT+7]

Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật tới nông dân

Thứ bảy, 23/09/2017 - 18:08'
(BLC) - Xác định vai trò là cầu nối quan trọng chuyển giao khoa học kỹ thuât tới cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tích cực phối hợp với tổ chức, đoàn thể, chính quyền cấp xã triển khai nhiều mô hình cây, con giống mới. Qua đó, giúp nông dân trong tỉnh biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, dần thay đổi các biện pháp canh tác cũ, góp phần tăng năng suất, sản lượng so với phương thức sản xuất truyền thống.

Với ý nghĩa đó, từ các nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và nguồn vốn của địa phương, công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố triển khai thông qua các hình thức cụ thể như: xây dựng mô hình trình diễn; hội nghị đầu bờ; đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ; khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật… tới cho nông dân trong tỉnh đã góp phần không nhỏ nâng cao tư duy nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triểkhai thực hiện 8 mô hình, dự án (trong đó, 5 mô hình dự án chuyển tiếp) gồm: Dự án trồng cây ăn quả ôn đới; thâm canh cây cam; mô hình hỗ trợ người dân trồng mận, lê; mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới; dự án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Lai Châu; 2 mô hình dự án mới gồm: trình diễn Lạc và ngô xuân năm 2017 thuộc Dự án: Xác định công thức thâm canh trên đất ruộng một vụ bằng các giống chịu hạn tiến bộ tại cánh đồng huyện Tân Uyên; mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm; 1 mô hình thủy sản. Thực hiện trình diễn các giống lúa, ngô mới: 6 giống lúa (HD9, Hương Cốm, Thiên Ưu 8, Thục Hưng 6, Bắc Thơm số 7 KBL, HN6) với tổng diện tích 8,5ha; 10 giống ngô (AG59, AG69, DK6919, DK8639C, DK6818, NK6410, NK6101, CP511, CP111, ngô ngọt) với tổng diện tích 9,95ha. Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố triển khai thực hiện 34 mô hình, trong đó có 26 mô hình trồng trọt và 8 mô hình chăn nuôi thủy sản.

Mô hình trồng ngô đông CP511 tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu cho năng suất từ 48 - 50 tạ/ha, sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, mỗi ha cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng/ha. Trong ảnh: Người dân tham gia Hội thảo mô hình ngô CP 511.

Khi thực hiện thí điểm các mô hình, dự án khuyến nông, người nông dân được tự triển khai, áp dụng trên chính mảnh đất của mình; được theo dõi, đánh giá và so sánh giữa sản xuất truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó học được cách làm. Các mô hình được chuyển giao trực tiếp theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật của bà con nông dân thuận lợi hơn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung các mô hình, dự án triển khai đảm bảo tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Đến nay, 5 mô hình đã tổ chức tổng kết gồm: Mô hình trồng ngô đông CP511, năng suất đạt 48-50 tạ/ha; mô hình hỗ trợ chăn nuôi gà tây, trọng lượng gà đạt 3,5kg/con; Mô hình sản xuất lúa đông xuân (lúa Tẻ râu) năng suất 40 tạ/ha và bước đầu được đánh giá phù hợp với điều kiện địa phương; Mô hình thử nghiệm giống lúa HN6 năng suất đạt 65 tạ/ha; Mô hình thử nghiệm ngô ngọt, năng suất đạt 15 tấn/ha và đang triển khai thực hiện 5 mô hình thủy sản với 135 lồng tại các huyện (Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè)…

Cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua mô hình, Trung tâm cũng phối hợp tổ chức 49 lớp tập huấn, trong đó: 3 lớp tập huấn về quản lý chất thải trong chăn nuôi (Chương trình WB) tại huyện Phong Thổ và thành phố Lai Châu: Phối hợp với Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) do (JICA) tài trợ 8 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị một số bệnh thường gặp trên cây ăn quả tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên; 38 lớp tập huấn hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối tại huyện Phong Thổ với 1.580 lượt học viên tham gia. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích lúa đông xuân tăng 1.273ha, từ 5.456ha (năm 2011) lên 6.693ha. Diện tích ngô tăng 2.708ha, từ 19.980ha (năm 2011) lên 22.688ha, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng gần 43.000 tấn, từ 164 nghìn tấn (năm 2011) lên 206,7 nghìn tấn (năm 2016).

Đồng chí Hà Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: “Lai Châu là tỉnh miền núi với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua trình diễn mô hình, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi học tập, tham quan trao đổi kinh nghiệm sản xuất… được đơn vị tích cực triển khai. Song, việc xây dựng các mô hình khuyến nông theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” vẫn là phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật có hiệu quả, nhất đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Chính vì vậy, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố đã triển khai hàng trăm mô hình, dự án ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, khuyến công, giúp bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh miền núi Lai Châu”.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông vẫn còn một số hạn chế như: đội ngũ khuyến nông còn mỏng; sự phối kết hợp giữa các đơn vị, chính quyền các xã, các ngành chức năng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông cũng hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động nghiệp vụ khuyến nông còn thiếu; trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiếu số không đồng đều đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Thời gian tới, đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào thử nghiệm nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động đào tạo theo hướng thực hành, xuất phát từ nhu cầu của người nông dân và định hướng phát triển của tỉnh, của ngành. Từ đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công các mục tiêu về sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Giai đoạn 2011 - 2016, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện 225 mô hình về nông nghiệp. Trong đó, có 166 mô hình trồng trọt, 32 mô hình chăn nuôi, 14 mô hình thủy sản, 6 mô hình lâm nghiệp, 7 mô hình khuyến nông. Tổ chức tập huấn 184 lớp với 9.763 lượt học viên là cán bộ khuyến nông các cấp, cộng tác viên khuyến nông và người nông dân.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...