Thứ năm, 25/04/2024, 06:24 [GMT+7]

Tích cực triển khai số hóa truyền hình mặt đất

Thứ sáu, 21/08/2020 - 10:24'
Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là đề án) theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự (Analog) và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất, từng bước đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của người dân.

Với mục tiêu đến năm 2020: Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả sử dụng tần số truyền hình; cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Theo đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền kế hoạch số hóa, lợi ích của truyền hình số… trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình; trang thông tin điện tử, internet; tổ chức các đội thông tin tuyên truyền lưu động về số hóa truyền hình trên địa bàn, phát tờ rơi, tờ gấp quảng cáo phổ biến cho người dân, hộ gia đình và lồng ghép vào hoạt động thông tin cơ sở, văn hóa nghệ thuật. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thành phố sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng; thực hiện đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy tập trung vào nhiệm vụ sản xuất chương trình ngay sau khi kết thúc truyền hình tương tự…
Ông Nguyễn Quốc Luân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Công tác chuyển đổi truyền hình số hóa mặt đất, đối với Lai Châu tập trung 3 nội dung chính: trước hết là về hạ tầng truyền dẫn phát sóng thì Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có buổi làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam để có hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Thứ 2 là hỗ trợ cho Nhân dân của 48 xã thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi số hóa mặt đất: với những nơi không có phủ sóng mặt đất, hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho những hộ cận nghèo và hộ nghèo theo quy định; với những vùng có phủ sóng truyền hình mặt đất thì hỗ trợ đầu thu sóng truyền hình mặt đất. Tổng số rà soát của sở hiện nay là 5.563 hộ thuộc diện được hỗ trợ, trong đó có 5.036 hộ được hỗ trợ đầu thu vệ tinh, 527 hộ được hỗ trợ đầu thu số mặt đất, còn lại những hộ không thuộc đối tượng hỗ trợ mà ở vùng bị ảnh hưởng thì khuyến khích các hộ mua các loại tivi sản xuất theo chuẩn mới có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc trang bị thêm đầu thu vệ tinh. Thứ 3 là tập trung, tăng cường tuyên truyền cho mọi người dân hiểu được những lợi ích về số hóa truyền hình để Nhân dân tự chủ động trong việc thực hiện số hóa. Từ giờ đến hết năm, sở sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo đề án, các đơn vị liên quan để tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn phát sóng, hỗ trợ đầu thu cho các hộ dân.

Người dân thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) sử dụng ăngten mặt đất để xem tivi.

Những ngày này, gia đình chị Đinh Thị Thu Trang (khu 5A, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) đông vui hơn vì thường xuyên đón tiếp những người hàng xóm sang chơi. Chị Trang tươi cười chia sẻ: Nhà tôi mới mua được một bộ ăngten mặt đất nên mấy người hàng xóm tò mò, tìm hiểu. Quả thật, bộ ăngten này khi kết nối với tivi, xem các chương trình truyền hình nét hơn trước, xem thích lắm, không bị giật hay nhiễu sóng như trước; xem được 13 kênh truyền hình miễn phí không mất tiền. Bộ ăngten này lại nhỏ gọn, rất dễ sử dụng, giá thành thấp.
Được biết, trên địa bàn huyện Than Uyên, không chỉ chị Trang mà rất nhiều hộ gia đình ở khu vực thị trấn, xã Mường Cang, Mường Than đều mua bộ ăngten mặt đất để xem các chương trình truyền hình. Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lắp đặt các thiết bị chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Ông Đỗ Công Hanh - Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Than Uyên chia sẻ: “Đầu tháng 8, chúng tôi đã thực hiện xong phần lắp đặt các thiết bị thu, phát của hệ thống số hóa truyền hình mặt đất và đưa vào khai thác sử dụng với 13 kênh chương trình tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Quốc phòng Việt Nam, An ninh TV, Đài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu… với loại hình 6HD, 7SD. Hàng ngày, phát thông báo trên sóng truyền thanh, truyền hình của huyện về nội dung thực hiện chương trình số hóa truyền hình mặt đất, hướng dẫn người dân cách dò kênh, lắp đặt sử dụng ăngten, đầu thu; cử đội ngũ kỹ thuật kiểm tra sóng tại các xã”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Than Uyên có gần 50 hộ đã lắp đặt và sử dụng các thiết bị số hóa truyền hình mặt đất. Theo đó, với những tivi đã có tích hợp truyền hình số mặt đất thì người dân chỉ cần sử dụng râu ăngten cũ hoặc mua một chiếc ăngten mặt đất với giá thành trên 200 nghìn đồng; còn với những chiếc tivi chưa có tích hợp truyền hình số mặt đất thì ngoài việc có ăngten cần thêm một bộ đầu thu hoặc đầu thu truyền hình vệ tinh (có giá thành hơn 200 nghìn đồng).
Tin rằng, với sự chủ động của Nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đến ngày 31/12/2020 tỉnh ta sẽ hoàn thành được đề án theo đúng lộ trình, mục tiêu đề ra.  

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...