Thứ sáu, 19/04/2024, 10:44 [GMT+7]

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ ba, 28/04/2020 - 06:26'
Phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh ta đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sử dụng các dịch vụ trực tuyến… Đây là biện pháp vừa giảm tập trung đông người, ngăn chặn dịch Covid-19, vừa góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc và thực hiện cải cách hành chính toàn diện, hình thành phương thức quản lý khoa học, hiện đại.

Sở Giáo dục và Đào tạo là một trong những đơn vị đẩy mạnh áp dụng CNTT vào giảng dạy. Sở đã ban hành văn bản về hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức cấp trung học trong và sau đợt nghỉ học thông qua website của nhà trường, Email, Zalo… Giữa tháng 3, Sở phối hợp với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến trên truyền hình và chỉ đạo các trường xây dựng chủ đề dạy học qua internet để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Cùng với đó, triển khai cho học sinh tự học trên các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn) thông qua các phần mềm của Viettel Lai Châu, VNPT Lai Châu, FastStone Capture... Theo thầy giáo Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 là một cơ hội để giáo viên áp dụng CNTT 4.0 vào dạy học, cũng như để toàn ngành đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý. Đến thời điểm này, các bài giảng có số lượt người xem trên truyền hình từ 1.600 lượt - 5.700 lượt; 100% các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh đang tổ chức dạy học trực tuyến qua mạng; 100% các trường phổ thông trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học trực tuyến; các trường còn lại trong tỉnh, tùy vào điều kiện của học sinh tổ chức dạy học trực tuyến cho phù hợp. Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học thì ngành tiếp tục đẩy mạnh giải pháp dạy và học qua truyền hình, Internet nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh trước khi quay trở lại trường, cũng như góp phần ngăn chặn dịch Covid-19.

Học sinh trên địa bàn thành phố Lai Châu học trực tuyến qua mạng internet.

Học sinh trên địa bàn thành phố Lai Châu học trực tuyến qua mạng internet.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh ứng dụng CNTT trong triển khai, chỉ đạo và giải quyết công việc, thủ tục hành chính thông qua hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản điều hành tại 698 cơ quan/8.200 tài khoản tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức liên hiệp hội của tỉnh; 100% cơ quan Nhà nước thực hiện xử lý công việc trên môi trường mạng, hệ thống thư công vụ, hệ thống ký số, hệ thống giao ban trực tuyến và gửi nhận văn bản điện tử. Hiện, tỉnh có hệ thống giao ban trực tuyến, đặt điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh, các huyện, thành phố và 99 điểm cầu UBND cấp xã. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích các cá nhân, cơ quan có thể sử dụng 1 trong các phần mềm: Zoom Cloud Meeting, Skype, Google Hanggout Me, Lifesize, Gotomeeting… để phục vụ cho công việc. Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, qua đó các cuộc họp, hội nghị hoặc cùng văn phòng nhưng cũng có thể làm việc trực tuyến, sử dụng kênh giao tiếp số nhằm giảm bớt việc di chuyển cũng như tập trung đông người; nhất là để đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng, UBND các huyện, thành phố và cán bộ đầu mối các cơ sở y tế tham gia cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 thực hiện kết nối hệ thống điều hành, họp trực tuyến với hệ thống CNTT của Ban Chỉ đạo quốc gia. Từ đó, có thể thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình và đề xuất giải pháp xử lý, phòng chống dịch bệnh nhanh, hiệu quả. Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị viễn thông đảm bảo lưu lượng, chất lượng Internet, 3G, 4G, theo dõi, tăng lưu lượng để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, đối với Trung tâm Hành chính công - nơi thường xuyên nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính công, tiếp xúc nhiều với công dân trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận trực tiếp hồ sơ thủ tục hành chính trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4 và chỉ tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia và hồ sơ được gửi qua dịch vụ Bưu chính công ích. Nhiều cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các phần mềm trực tuyến, Internet để xử lý công việc tại nhà mà không cần đến cơ quan.
Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc, thủ tục hành chính, tính đến thời điểm này, tổng số dịch vụ công của tỉnh là 2.062 dịch vụ, toàn tỉnh đã gửi nhận 1.712.130 văn bản điện tử; cấp 1.983 chữ ký số; tất cả các cuộc họp phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đều được sử dụng hình thức họp trực tuyến trên hệ thống giao ban trực tuyến, qua phần mềm Zoom Cloud Meetings. Qua đó, công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở được xuyên suốt, không bị gián đoạn.
Chị Đinh Thị Lan - Văn phòng UBND tỉnh chia sẻ: Do dịch Covid-19 nên tôi ít đến cơ quan mà làm việc qua email, phần mềm Zoom Cloud Meeting hoặc Microsoft Teams và trao đổi tài liệu qua Hệ thống quản lý văn bản điều hành và thư công vụ. Việc ứng dụng CNTT giúp chúng tôi có thể báo cáo, trao đổi công việc khá thuận lợi mà vẫn đảm bảo công tác phòng dịch do tỉnh đề ra. Nhờ vậy, mọi công việc đảm bảo thông suốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn; nhằm hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...