Thứ năm, 28/03/2024, 18:24 [GMT+7]

Ưu thế từ trồng rau thủy canh hồi lưu

Thứ sáu, 15/02/2019 - 18:42'
(BLC) - Với nhiều ưu điểm, tính sáng tạo vượt trội, giải pháp áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh hồi lưu để sản xuất rau sạch tại tỉnh Lai Châu của tác giả Đào Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Hà Sơn, trụ sở tại phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) đã đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III/2018.

Chúng tôi đến thăm hệ thống nhà màng lưới kín sản xuất rau thủy canh của Công ty. Mặc dù vừa kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán nhưng anh Sơn đã tất bật với công việc: kiểm tra hệ thống bể bơm, đồng hồ tự động rồi giàn ươm, ống trồng thủy canh và tính toán những lứa sản xuất tiếp theo. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng hệ thống nhà màng lưới kín, anh Sơn cho biết xuất phát điểm của ý tưởng trồng rau thủy canh hồi lưu. Những năm qua, mặc dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Lai Châu nói riêng, toàn tỉnh nói chung lớn nhưng nguồn thực phẩm được sản xuất theo công nghệ cao và đảm bảo sạch tuyệt đối vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là chưa có đơn vị hay cơ sở sản xuất rau, củ an toàn theo hướng áp dụng công nghệ trồng thủy canh hồi lưu.

Anh Sơn kiểm tra sự sinh trưởng của rau thủy canh.

Với những kiến thức tích lũy sau mỗi lần đi học hỏi kinh nghiệm tại một số cơ sở, địa phương chuyên canh rau trong cả nước, tháng 7/2017, anh Sơn mạnh dạn đầu tư trồng rau theo công nghệ 4.0 nuôi trong nhà kính, nhà lưới. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, hệ thống màng lưới kín được xây dựng khoa học, khi ra vào có khoang cách ly, hệ thống khử trùng các dụng cụ lao động với tổng diện tích 2.400m2, trong đó diện tích trồng rau 4.000m2 (thiết kế 2 tầng). Để vào nhà lưới, yêu cầu đầu tiên là người lao động phải sử dụng ủng, gang tay đảm bảo khử trùng. Cấu tạo của nhà lưới có hệ thống bể, bơm, đồng hồ tự động (tự động theo dõi và kiểm tra nhiệt độ, hệ thống tự động theo dõi độ pH của nước, hệ thống phun sương làm mát và lưới cắt nắng), giàn ươm (51 giàn và hệ thống tưới hồi lưu, rọ đựng giá thể) và ống trồng thủy canh.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống nhà lưới thông qua việc đưa giá thể (bằng sơ dừa) vào rọ và gieo hạt, sau 14 ngày khi cây đạt 2 - 3 lá thật thì đưa ra giàn sinh trưởng (giàn ống thủy canh) và hệ thống bơm tuần hoàn, mỗi ngày chăm sóc chia ra 16 khung giờ, mỗi giờ bơm 20 phút tuần hoàn dinh dưỡng khoáng để nuôi cây. Khoảng sau 30 ngày bắt đầu thu hoạch. Để hệ thống hoạt động cần đảm bảo các điều kiện: hàng ngày kiểm tra nồng độ sinh dưỡng và nồng độ pH. Điều chỉnh nồng độ dinh dưỡng theo giai đoạn phát triển của cây; điều chỉnh độ pH ổn định tốt nhất cho cây trồng. Các chất dinh dưỡng đưa vào nuôi cây gồm: Ca (NO3), KNO3, H2SO4... Hệ thống phun sương làm mát, cắt nắng, thủy canh hồi lưu tự động và kiểm soát dinh dưỡng.

Được biết, đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau quả đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm nổi bật là không cần đất. Các chất dinh dưỡng trong phân bón được thẩm thấu trực tiếp vào rễ cây mà không bị cản trở bởi các vấn đề liên quan tới thành phần đất. Tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng do nguồn nước chỉ được hấp thụ bởi cây và gần như không bay hơi và bị mặt đất hấp thụ. Không sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh và các hóa chất độc hại khác. Giảm chi phí nhân công và công sức chăm sóc, không đòi hỏi lao động nặng nhọc. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa dễ dàng và hiệu quả. Tận dụng tối đa diện tích mặt đất nhờ bố trí khoảng cách giữa các cây tối ưu theo năng suất.

 Cùng với đó, giảm tối đa thời gian làm sạch rau trước khi bán ra thị trường. Năng suất cao hơn từ 50% - 300% so với các mô hình truyền thống nhờ kiểm soát được nguồn dinh dưỡng mà cây trồng hấp thụ. Trồng rau trong nhà kính giúp hạn chế tối đa sâu bệnh, thiên tai (mưa, gió); giảm thời gian thu hoạch nhờ phương pháp gối vụ, VietGAP, GlobabGAP. Sản phẩm tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người dùng; hình thức bắt mắt, đồng nhất; giàu dinh dưỡng và tươi ngon, không tích lũy độc tố, không gây ô nhiễm môi trường.

Anh Sơn khẳng định, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, tôi nhận thấy công nghệ trồng rau thủy canh hồi lưu có khả năng ứng dụng rộng rãi với việc áp dụng trồng, sản xuất rau sạch theo các quy mô khác nhau: hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp... Sản phẩm sản xuất đa dạng, đơn vị hiện đã sản xuất ra các loại rau cải (cải xanh, bắp cải, cải thảo, cải nhật); rau xà lách (xà lách xoăn, xà lách mỡ, xà lách bắp); rau dền; rau muống. Các loại quả: cà chua (cà chua bi, cà chua Cherry, cà chua mận, cà chua lê); dưa (dưa leo Hà Lan, dưa leo Israel, dưa vàng Kim Vương Hoàng Hậu). Qua thống kê, năng suất rau bình quân đạt 5kg/m2/lứa (30 ngày/lứa); dưa đạt 6kg/gốc/lứa (75 ngày/lứa); cà chua 5kg/gốc/lứa (90 ngày/lứa). Tổng doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm.

Hiện tại, các sản phẩm do đơn vị sản xuất được cung cấp cho công ty và hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), thành phố Lai Châu. Sản phẩm có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại do một số đơn vị trong nước sản xuất bởi giá thành thấp hơn, chất lượng cao và sản phẩm đồng đều, không theo mùa vụ.

Để có những mùa “quả ngọt” như hôm nay đó là sự tâm huyết, dám nghĩ dám làm và quyết tâm “đi trước một bước” của anh Đào Ngọc Sơn. Hy vọng, thời gian tới, người dân trong tỉnh sẽ có cơ hội được sử dụng nhiều sản phẩm được sản xuất từ công nghệ thủy canh từ không chỉ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Hà Sơn.

 

Hoàng Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...