Thứ sáu, 19/04/2024, 13:08 [GMT+7]

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động

Thứ ba, 04/06/2019 - 18:43'
(BLC) - Công nghệ thông tin (CNTT) hiện đang đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành của mỗi doanh nghiệp. Không chỉ mở ra cơ hội mà còn tăng khả năng cạnh tranh, trợ giúp đắc lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với ý nghĩa quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động.

Theo đó, tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển bưu điện, viễn thông và CNTT tỉnh Lai Châu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh, nộp thuế điện tử, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở, minh bạch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT (trong đó có các Công ty FPT, Thế giới di động, Điện máy xanh và một số doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh các thiết bị máy tính, phụ kiện CNTT...) đáp ứng như cầu sử dụng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn. Đến nay, đa số doanh nghiệp trong tỉnh đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, thanh toán tiền lương cho người lao động. 100% doanh nghiệp thực hiện việc kê khai nộp thuế điện tử và ứng dụng phần mềm word, excel trong soạn thảo văn bản, quản lý tài chính, nhân sự và công việc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân đã ứng dụng CNTT trong quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm, bán hàng online; quản lý hàng hóa tại các siêu thị, quầy bar, shop và phát triển thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vưc ngân hàng, bưu điện, viễn thông... đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chia sẻ, đến nay toàn tỉnh có 25 máy ATM lắp đặt tại 8/8 huyện, thành phố đã phát sinh 70.143 món giao dịch thanh toán với tổng giá trị thanh toán đạt 1.777 tỷ đồng. 54 máy POS, trong đó có 35 điểm chấp nhận thẻ phát sinh 11.671 món giao dịch với tổng giá trị thanh toán đạt gần 26 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin qua các kênh điện tử hiện đã trở nên thông dụng hơn trong cuộc sống. Không chỉ đem lại lợi ích thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các bên mà còn hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc ra các quyết định quản lý, xây dựng các chiến lược nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh cạnh tranh cao nhất. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể như: ứng dụng dịch vụ thanh toán trên địa bàn qua thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản cho các cá nhân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; phát triển mạng lưới ATM, POS; đẩy mạnh phát triển các hình thức giao dịch qua internet, smart phone, PC kết nối mạng. Đặc biệt quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực, chế độ bảo mật đối với hệ thống và các lỗ hổng hạ tầng mạng, thông tin khách hàng... Tạo nội lực thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Lai Châu là một trong những doanh nghiệp quan tâm, triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Lai Châu là một trong những doanh nghiệp quan tâm, triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản lý nhân sự, kế toán tài chính, quản lý quan hệ khách hàng, tồn kho, quản lý dự án... Áp dụng các giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống mạng, máy chủ và dữ liệu, ứng dụng webside và sử dụng hệ thống thư điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất giúp doanh nghiệp phân tích, tìm ra nguyên nhân, cải tiến, loại bỏ hạn chế và đề xuất hướng giải quyết làm cho quản lý sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn.  

Hiện toàn tỉnh có hơn 1.380 doanh nghiệp, 320 hợp tác xã. Trong đó, trên 95% doanh nghiệp đã và đang sử dụng internet phục vụ công việc. Tuy nhiên, do sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn chưa đồng đều nên khả năng ứng dụng CNTT của mỗi doanh nghiệp cũng có những điểm khác biệt. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng CNTT rất tốt trong việc quản lý, điều hành. Các doanh nghiệp này cũng đã ứng dụng khá nhiều phần mềm văn phòng, quản lý về tài chính, kế toán, nhân lực, hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu, mở rộng thị trường. Đặc biệt ứng dụng thành thạo phần mềm ERP (phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán)... Hiện 40% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cơ sở phân phối hiện đại, cung cấp điện, nước viễn thông sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ và điện thoại.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định như: số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn về CNTT hay có website riêng đã tăng nhưng chưa nhiều. Có những doanh nghiệp lập ra các website chủ yếu để giới thiệu hình ảnh sản phẩm dịch vụ của DN mà chưa trở thành nơi để giao dịch hàng hóa. Mức độ đầu tư cho CNTT cao nhưng hiệu quả sử dụng vẫn thấp... Do đó, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước để CNTT thực sự là động lực cho DN phát triển. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT cũng như có thể tranh thủ tối đa những chính sách, cơ chế của nhà nước.

Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công… Đây cũng là động lực để doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động của mình. Từng bước đầu tư cơ sở về CNTT; ứng dụng toàn diện nâng cao năng lực quản lý và sản xuất. Từ đó tạo sự đột phá, nâng cao vị thế cạnh tranh trong và ngoài tỉnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển ổn định và bền vững của địa phương.

Bình Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...