Thứ bảy, 20/04/2024, 01:14 [GMT+7]

Đổi thay đời sống dân tộc Mảng

Thứ sáu, 23/09/2022 - 09:31'
Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc rất ít người cư trú trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Do xuất phát điểm thấp nên đời sống kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã giúp vùng đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện khởi sắc.

Trên địa bàn huyện biên giới Nậm Nhùn, dân tộc Mảng có dân số khoảng 4.000 người, sinh sống tập trung ở các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải và Nậm Pì. Trước kia, dân tộc Mảng sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với trình độ canh tác lạc hậu, nhiều hủ tục cũng như các tệ nạn xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào. Nhiều người còn gọi dân tộc Mảng với tên gọi Xá Lá Vàng; bởi cứ sau khi bà con dựng nhà, lều, lán mà lá cây trên nóc vàng là lại di cư đi nơi khác, nay đây mai đó. Tỷ lệ hộ nghèo cách đây 10 năm lên đến 80-90%, thậm chí có bản 100% là hộ nghèo. Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đồng bào dân tộc Mảng thay đổi cuộc sống.
Thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo tinh thần Quyết định 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, vùng dân tộc Mảng sinh sống được quy hoạch, tạo mặt bằng để di chuyển, sắp xếp, ổn định dân cư; xây dựng, nâng cấp đường giao thông đến thôn, bản; hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo, mắc điện sinh hoạt, làm nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hỗ trợ khai hoang, xây dựng ruộng bậc thang sản xuất lúa nước, bảo đảm an ninh lương thực; đào tạo chuyển đổi nghề… Cùng với đó, nhiều chương trình hỗ trợ khác như cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; đưa con em dân tộc Mảng từ các bản xa xôi, hẻo lánh về các trường trung tâm các xã để học tập. Từ những chính sách trên, hiện nay đời sống của dân tộc Mảng đã đổi thay rõ rệt cả về vật chất cũng như tinh thần.
Ông Lò A Tư - Chủ tịch UBND xã Trung Chải cho biết: Thời gian qua, vùng đồng bào dân tộc Mảng được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đời sống cũng như nhận thức của người dân tộc Mảng đã có sự phát triển tiến bộ so với những năm trước. Từ những chương trình, chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cũng như tạo đà giúp bà con dân tộc Mảng phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống gia đình.

Từ các chính sách hỗ trợ, gia đình ông Lò Văn Luyện ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn vay vốn trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập, giúp gia đình định cư và ổn định cuộc sống.

Từ các chính sách hỗ trợ, gia đình ông Lò Văn Luyện ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn vay vốn trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập, giúp gia đình định cư và ổn định cuộc sống.

Để minh chứng cho những thay đổi trên, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Chiến ở bản Nậm Nó 2 (xã Trung Chải). Từ các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2015, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Với điều kiện tự nhiên sẵn có, sau khi di chuyển đến nơi ở mới, anh học hỏi và bắt tay vào phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, đàn gia súc của gia đình anh luôn duy trì hơn 10 con trâu và 10 con bò. Cuộc sống của gia đình anh dần ổn định, có thêm điều kiện mở rộng chăn nuôi các loại gia cầm, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Anh Chiến chia sẻ: Dân tộc Mảng không còn du canh, du cư như ngày xưa nữa mà đã định canh ổn định cuộc sống. Được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống điện, đường đến các bản nên bà con có điều kiện phát triển. Ngoài chăn nuôi, khi có thời gian rảnh tôi đi làm thuê, có thêm thu nhập để xây nhà. Khi con cần tiền ăn học, xây dựng gia đình, tôi bán trâu, bò để giúp đỡ các con, trang trải cuộc sống. Từ khi phát triển chăn nuôi gia đình tôi có nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình anh Chiến, rất nhiều hộ gia đình dân tộc Mảng ở các bản, các xã khác cũng vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Chìn Mé Lòng, Lý A Quân ở bản Nậm Ô (xã Nậm Ban); ông Lò Văn Luyện ở bản Pá Bon (xã Nậm Pì); ông Lò Văn Nghiên ở bản Nậm Nghẹ (xã Hua Bum)…
Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tại các khu vực có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, từ đường giao thông, trường, trạm đến nước sản xuất, nước sinh hoạt. Bà con được quan tâm hỗ trợ cây, con giống... từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con dân tộc Mảng ngày càng được nâng cao.
Có thể khẳng định, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã có nhiều đổi thay tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống còn mức bình quân 60-70%, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm từ 4-5%. Nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, bà con biết áp dụng máy móc, phương tiện canh tác hiện đại vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Có điều kiện kinh tế, nhiều hộ dân tộc Mảng mua sắm được xe máy, tủ lạnh, tivi phục vụ cuộc sống. Đó là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào dân tộc Mảng cuộc sống ổn định và phát triển.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...