Thứ năm, 25/04/2024, 15:55 [GMT+7]

Cây quế trên đất Tân Uyên

Thứ hai, 30/05/2022 - 11:19'
(BLC) - Sau 7 năm bén rễ trên mảnh đất Tân Uyên, một số diện tích cây quế đã tỏa xanh các sườn đồi. Cây quế đã và đang góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Niềm tin ở cây trồng mới

Ngày cuối tháng 5, chúng tôi cùng lãnh đạo Ban Quản lý rừng Phòng hộ huyện Tân Uyên và Hội Nông dân xã Nậm Cần ngược dốc lên thăm đồi quế xanh ngút ngàn của gia đình anh Lò Văn Ngảnh (bản Phiêng Áng). Những cây quế cao quá đầu người, cây cao nhất cũng phải đến 4m, lá sum suê che kín bầu trời.

Những chùm lá khô cong dưới gốc cây là kết quả của việc tỉa cành để dồn lực cho thân cây chính. Nhiều khoảng thưa hơn, những cây quế non đang vươn cành xanh tốt, là do gia đình anh Ngảnh trồng dặm vào những vị trí cây chết hoặc thay thế những cây giống yếu, phát triển chậm. Nhìn vườn quế, tôi không khỏi trầm trồ, ước ao, giá được sở hữu vườn quế thì trong tay cũng có vài trăm triệu đồng.

Được biết, cách đây 6 năm, thực hiện Đề án phát triển cây quế trên địa bàn huyện, gia đình anh Ngảnh đăng ký trồng 5ha nhưng đến nay chỉ có 4ha sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích còn lại gia đình anh tiếp tục trồng dặm bổ sung để lấp đầy vườn quế. Cách đó không xa, tại bản Hua Cần đã có 1 cơ sở chưng cất, chế biến tinh dầu từ lá, cành quế với quy mô nhỏ. Qua đánh giá bước đầu chất lượng tinh dầu quế ở Tân Uyên đạt so với vùng quế Văn Yên (tỉnh Yên Bái).

Anh Giàng A Vàng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cần đặt nhiều niềm hy vọng về cây quế. Anh nói: Năm 2022, xã đã hết diện tích đất để bố trí cho trồng quế, mấy năm trước, khi huyện, xã vận động bà con trồng, ai nấy đều “nhường nhau”. Nhưng đến nay, thấy nhiều gia đình đã có chút thu nhập từ cây quế, người dân thiết tha trồng thì lại không còn đất.

Gia đình ông Lò Văn Moi (bản Hua Puông) trồng 2ha quế, có 1ha cho thu hoạch (cành, lá) chỗ thu nhập trên 10 triệu đồng. Hay như gia đình ông Lò Văn Đanh (bản Nà Phát) trồng khoảng 7ha nhưng nửa diện tích đã có cho thu nhập vài chục triệu đồng. Cũng giống như trồng chè, chưa thấy tiền, người dân chưa mặn mà, đến khi cây có giá trị mới háo hức thì đã hết cơ hội. Giờ đây, nhiều gia đình còn tự bỏ tiền ra mua cây giống về trồng dặm vào khoảng trống để rồi tiếp tục nuôi hy vọng quế sẽ “đẻ ra tiền” đem đến cuộc sống no đủ hơn.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng Phòng hộ huyện và Hội Nông dân xã Nậm Cần kiểm tra vườn quế của gia đình anh Lò Văn Ngảnh.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng Phòng hộ huyện và Hội Nông dân xã Nậm Cần kiểm tra vườn quế của gia đình anh Lò Văn Ngảnh.

Nậm Cần đến nay đã sở hữu hơn 1.200ha quế, trong đó có khoảng 30% diện tích đã cho khai thác, hầu hết là diện tích trồng từ năm 2016, trung bình mỗi hécta cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ cắt tỉa cành làm tinh dầu. Tinh dầu ở đây chất lượng không thua kém so với vùng quế nổi tiếng nhiều nơi. Đối với những diện tích trồng năm 2018 – 2020, tốc độ sinh trưởng, phát triển chậm hơn, xã vận động bà con tiếp tục trồng dặm khoảng 6-7 vạn cây (kể cả doanh nghiệp hỗ trợ và dân tự đầu tư) để phát triển thành rừng.

Anh Hoàng Văn Mừng – Phó Chủ tịch UBND xã mừng ra mặt khi chúng tôi hỏi về cây quế. Anh nói rằng, không chỉ cây chè, quế cũng đang là cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Điều này có vai trò quan trọng giúp xã duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập, yên tâm hơn khi được huyện giao thực hiện xã nông thôn mới nâng cao.

Những trăn trở của đội ngũ chính quyền các cấp về một cây trồng mới, thể hiện bằng hành động, bằng ý chí để triển khai tới toàn thể Nhân dân. Huyện giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp triển khai, phối hợp với các xã thực hiện trồng, đến nay, toàn huyện đã có trên 3.100ha quế. Quế được triển khai quyết liệt trồng vào những năm 2015 – 2018 và diện tích giảm dần qua các năm do quỹ đất bố trí trồng ngày càng thu hẹp. 2 năm 2021, 2022, mỗi năm huyện được giao trồng 100ha, trong năm nay đã hoàn thành việc đo đạc, quy chủ và sẽ tiến hành trồng trong tháng 6, 7. Việc hoàn thành chỉ tiêu giao là hoàn toàn có thể.

Niềm vui chưa trọn

Ấn tượng khi đến tham quan vườn quế của gia đình anh Lò Văn Ngảnh cứ theo tôi suốt cả chặng đường dài. Vui lây với bà con về thành quả kinh tế ấy, tôi lại ước một điều giá như diện tích trồng quế nào ở Tân Uyên cũng được xanh tốt mượt mà như ở đó. Nhìn lại trên 3.000ha cây quế được trồng thấm đẫm mồ hôi, công sức của bà con, liệu đã có bao nhiêu diện tích cây quế được ươm mầm, bén rễ xanh tốt nhờ được chăm sóc, phát dọn thường xuyên?

Nguyên Chủ tịch UBND xã Tà Mít – anh Phạm Đức Công (nay là Bí thư Đảng ủy xã Tà Mít) trăn trở nhiều về cây quế từ những năm đầu tiên đưa vào trồng tại xã. Thậm chí anh cùng ăn, cùng làm, cùng rơi những giọt mồ hôi với bà con dân bản. Dốc sức cùng với bà con trồng quế là vậy, nhưng đến bao giờ thành quả mới đến trọn bàn tay của người dân đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Tâm sự với chúng tôi những nỗi niềm về cây quế, anh Công cho hay, bắt đầu đưa cây quế vào trồng từ năm 2016 đến nay toàn xã có trên 700ha. Cây sinh trưởng, phát triển tốt chỉ khoảng 60-70%, còn lại bà con vẫn đang trồng dặm. Hộ nào không đảm nhận được xã chuyển sang cho hộ khác làm; không còn hộ nào nhận, xã sẽ bố trí cho doanh nghiệp vào khai thác, làm sao để cho đất đẻ ra cây rừng, chứ không để đất trống.

Cơ sở chế biến mini chưng cất tinh dầu quế với giá bán 500.000 đồng/lít.

Cơ sở chế biến mini chưng cất tinh dầu quế với giá bán ra thị trường 500.000 đồng/lít.

Nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo, quyết liệt trong hành động là vậy song xã vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai trồng quế. Đầu tiên là nhiều hộ dân chỉ trồng xong để đó, trồng để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước ở năm đầu, sau đó bỏ bê, không chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân để cho gia súc phá hoại nghiêm trọng diện tích quế ở nhiều nơi.

Tà Mít là xã phải thực hiện di dân tái định cư phục vụ xây dựng thủy điện, có đến 10 bản phải di dời đi nơi khác, hiện toàn xã chỉ còn 4 bản. Đến nơi ở mới thuận lợi đường giao thông, gần trung tâm, điều kiện sống tốt nhưng bà con không có nơi canh tác, chăn nuôi nên lại đưa đàn gia súc về quê cũ. Có đến hàng trăm con trâu, bò, ngựa, dê được các hộ nơi khác đưa về chăn thả mà không có sự kiểm soát dẫn đến việc phá hoại cây trồng. Xã đã nhiều lần bắt trâu, xử phạt, áp theo hương ước, quy ước do các bản đặt ra để xử lý song đâu lại vào đấy vì không có vùng chăn thả tập trung để kiểm soát khu vực kiếm ăn của đàn gia súc. Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ khó cho việc trồng quế, còn nhiều cây trồng khác ở Tà Mít nói riêng, huyện Tân Uyên nói chung.

Hiểu tường tận về cây quế, anh Phạm Đức Công phân tích thêm: Không phải vùng nào trồng quế cũng đẹp, quế chỉ hợp với điều kiện thời tiết sáng nắng, chiều râm, nếu giờ nắng trong ngày cao lá quế sẽ vàng và không thể lên xanh tốt. Thêm vào đó, cây quế đòi hỏi công chăm sóc nhiều nhưng bà con còn tập trung làm nhiều cây trồng khác, do đó không có thời gian “ưu ái” dành cho riêng cây quế.

Nhìn vào biểu tổng hợp kết quả kiểm tra rừng trồng quế năm 2015, với gần 516ha diện tích thực trồng, qua kiểm tra lần 1 vào tháng 12/2018 cho thấy diện tích tỷ lệ cây sống tốt 70% chỉ có 193ha; diện tích có tỷ lệ cây sống tốt dưới 50% là 121ha. Lần kiểm tra thứ 2 vào tháng 2/2020 có tới trên 33ha rừng trồng bị xâm hại. Đáng nói, diện tích cây quế được đánh giá là sinh trưởng và phát triển bình thường là rất hiếm hoi, còn lại chủ yếu là sinh trưởng phát triển kém, gia súc phá hoại. Đây gọi là nỗi buồn hay nỗi thất vọng của chính quyền cũng đều đúng vì sự nỗ lực đã không được đáp lại như ý.

Nhận định tình hình trong Báo cáo công tác quản lý và triển khai thực hiện trồng, chăm sóc cây quế trên địa bàn huyện từ năm 2015-2018, huyện cũng đã khẳng định: Công tác quản lý đàn gia súc còn buông lỏng, tình trạng gia súc thả rông phá hoại cây trồng không được xử lý kiên quyết, triệt để xảy ra ở một số xã, nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng và mật độ cây. Công tác chăm sóc quế không tập trung theo thời vụ. Việc chăm sóc chủ yếu là phát băng nhưng chưa đảm bảo về độ rộng băng, diện tích được vun xới gốc đạt khoảng 10-15%. Phần lớn diện tích quế không được bón phân qua các lần chăm sóc.

Giờ thì người dân đã có niềm tin hơn với cây quế. Công tác tuyên truyền, vận động để bà con thiết tha đầu tư công sức, chi phí mua giống trồng dặm, chăm sóc không còn là vấn đề quá khó khăn. Việc cần thiết bây giờ là làm thế nào để giảm tình trạng phá hoại cây rừng của gia súc, giải pháp đặt ra chỉ có quy hoạch vùng chăn thả để khống chế vùng hoạt động của gia súc và tập trung trồng cỏ tạo nguồn thức ăn… Có như thế mỗi cây quế giâm xuống đất rừng không chỉ phủ xanh một khoảng đất, còn là cây trồng no ấm của người dân và thỏa niềm tin mong đợi của cấp ủy chính quyền địa phương.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...