Thứ sáu, 19/04/2024, 23:36 [GMT+7]

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Thứ sáu, 29/01/2021 - 16:15'
( BLC) - Hiện nay ở nhiều xã của huyện Phong Thổ, tình trạng người dân dự trữ thóc lâu năm diễn ra phổ biến. Điều đó khiến giá trị sản xuất giảm.

Gia đình ông Lý A Dế ở bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ mỗi năm cấy 4ha lúa. Trước khi xuống giống, ông Dế thường bám sát sự chỉ đạo của chính quyền địa phương về khung lịch thời vụ. Chịu khó thăm đồng, làm cỏ, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, do đó năng suất lúa đạt 40 - 45 tạ/ha. Mỗi năm thu hoạch thóc về, ông Dế đều để ăn và nuôi thêm gà, ngan chứ không bán.

Hiện, nhà ông Dế có khoảng 7 tấn thóc, trong đó 1 tấn thóc của vụ mùa 6 năm trước. Để bảo quản thóc, ông phơi khô, đựng trong bao tải và gác lên tầng mái. Đồng thời, thường xuyên nhóm củi lấy hơi khói, lửa phòng mối, mọt thóc. Khi được hỏi việc dự trữ thóc lâu năm ảnh hưởng đến giá trị kinh tế, chất lượng gạo, ông Dế chia sẻ: Do trước đây phải chịu cảnh đói ăn triền miên nên hiện nay cấy được nhiều thóc tôi không muốn bán. Vì vậy mà gia đình dự trữ thóc từ năm này qua năm khác phòng khi mất mùa. Hiện, bản Sàng Mà Pho có 88 hộ thì có tới 50 hộ có nhiều và dự trữ thóc như gia đình tôi. Biết rằng thóc để lâu ăn không ngon nhưng bán thì tiếc.

Hay như gia đình anh Sùng A Chang ở bản Hồng Thu Mông, xã Lản Nhì Thàng cấy 2ha lúa, mỗi năm thu về hơn 100 bao thóc. Tuy ở gần thành phố Lai Châu nhưng anh Chang không muốn bán mà để ăn và nuôi thêm gia cầm. Gia đình anh Lý Y Sỉn, bản Ma Can, xã Dào San cũng có tới 4 – 5 tấn thóc trong nhà…

Người dân bản Ma Can xã Dào San bảo quản thóc.

Người dân bản Ma Can, xã Dào San bảo quản thóc.

Đây chỉ là vài trường hợp điển hình cho nhiều gia đình dự trữ thóc lâu năm khác trên địa bàn huyện. Theo bà con, nguyên nhân là do sống ở nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nương ruộng ở xa, để cấy được hạt thóc rất vất vả. Trong khi đó, hàng năm biến đổi khí hậu khó lường, nạn chuột cắn phá dễ dẫn đến mất mùa. Đã có năm lúa chín sắp gặt thì mưa đá làm rụng hết, nếu bán thóc thì lại sợ khi thiên tai ập đến sẽ bị đói.

Hơn nữa có những bản ở xa, giao thông khó khăn, tiểu thương cũng không vào mua thóc. Còn người dân muốn bán thì chở bằng xe máy được ít không bõ công vận chuyển. Hầu hết ở các bản, giống lúa chất lượng cao không phù hợp với đồng đất, khí hậu nên bà con cấy giống lúa thường, giá thóc thấp, dao động từ  4 – 5 nghìn đồng/kg, bán thóc cũng không được nhiều tiền.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết Dự án “Tăng cường khả năng độc lập và trao quyền kinh tế cho thanh niên, phụ nữ thông qua các giá trị bền vững” giai đoạn 2018 – 2020, đồng chí Nguyễn Văn Thanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Thổ nhấn mạnh: Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc các xã vùng cao thường suy nghĩ theo lối mòn, lạc hậu trong việc tích lũy thóc. Sản xuất ra thóc nhiều nhưng ít bán ra thị trường. Hàng ngày ăn gạo cũ còn gạo mới để dành. Đối với vấn đề này, người dân cần thay đổi tư duy, làm đủ ăn còn dư nên bán để đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm là vấn đề lớn, vì vậy các cấp ủy, chính quyền cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong việc sản xuất, dự trữ thóc, gạo.

Theo khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, bà con không nên để thóc quá 1 năm. Để lâu khi nấu cơm sẽ không ngon, mất độ dẻo thơm, chất lượng dinh dưỡng giảm. Mặt khác, bán ra thị trường giá thấp. Vì vậy, chỉ dự trữ vừa đủ nhu cầu sử dụng trong gia đình, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...