Thứ năm, 25/04/2024, 17:40 [GMT+7]

Chính quyền vào cuộc, tạo thế mới cho hàng Việt

Thứ hai, 15/01/2018 - 14:17'
(BLC) - Nếu như trước đây, vin cớ hoàn cảnh kinh tế khó khăn; mẫu mã, chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu... để né tránh, không mặn mà với hàng hóa do các đơn vị trong nước sản xuất thì nay, với sự nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cộng với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, Nhân dân từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh đã ưu tiên sử dụng hàng Việt, trước hết là bảo vệ sức khỏe, góp sức thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hệ thống chính trị vào cuộc

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) được phát động năm 2009 nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tích cực triển khai sâu rộng CVĐ với nhiều giải pháp. Mặc dù đã qua 8 năm thực hiện và CVĐ cơ bản đi vào cuộc sống, tuy nhiên, Lai Châu là tỉnh miền núi, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên nhiều bà con chưa thực sự cân nhắc hay chú trọng lựa chọn hàng tiêu dùng do các tổ chức, đơn vị trong nước sản xuất mà ưu tiên tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”. Do đó, nhiều tư thương vì lợi nhuận nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả để tăng doanh thu. Bên cạnh đó, một bộ phận Nhân dân có điều kiện kinh tế lại đặt niềm tin tuyệt đối vào hàng ngoại (dù giá cao).

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm được một số đơn vị, doanh nghiệp trong nước quan tâm, tích cực triển khai. Trong ảnh: Đơn vị sản xuất, phân phối mặt hàng chăm sóc cá nhân và gia đình giới thiệu sản phẩm tại chợ trung tâm Đoàn Kết. 

Do vậy, công tác tuyên truyền về CVĐ được Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện trên cơ sở gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trao đổi vấn đề này, bà Lại Thị Hương - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cho biết, Ban đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức thành viên, cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về CVĐ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Trong năm qua, Ban tiến hành treo 40 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về CVĐ tại các chợ, trung tâm thương mại, trục đường chính nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và thường xuyên hướng dẫn, định hướng tuyên truyền về CVĐ cho các cơ quan thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo các Huyện ủy, Thành ủy, tuyên huấn các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức lồng ghép tuyên truyền tại hội nghị báo cáo viên, trên cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ.

Các cơ quan báo chí tiếp tục có nhiều bài phản ánh, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về CVĐ. Điển hình như Báo Lai Châu trong năm 2017 đăng tải 20 tin, bài, ảnh trên các ấn phẩm; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chọn lọc tin, bài tiêu biểu dịch ra 4 thứ tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì), nội dung tuyên truyền được phát sóng trên đài tỉnh và truyền qua mạng Internet phát sóng ở tất cả các đài huyện, thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng hoạt động về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền (biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim...). Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh tuyên truyền về CVĐ trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Cụ thể, tuyên truyền lồng ghép CVĐ với các CVĐ, phong trào thi đua yêu nước; qua trang thông tin điện tử, cuốn Thông tin công tác - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Hỗ trợ hội viên sản xuất (phối hợp lựa chọn, đề cử 1 sản phẩm tiêu biểu là Chè Matcha của Công ty Cổ phần chè Tam Đường tham gia Chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016”, tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho hội viên, nông dân; khuyến khích nông dân ưu tiên sử dụng con giống, vật tư trong nước, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho hội viên vay vốn mua phân bón; triển khai chương trình mua phân bón trả chậm cho nông dân - Hội Nông dân tỉnh...

Công tác tuyên truyền về CVĐ được các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện thường xuyên, đa dạng hình thức đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, từng bước hình thành nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, của đất nước.

Tăng cường quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp

Đảm bảo bình đẳng, minh bạch trong kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho danh nghiệp, người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, quảng bá thương hiệu hàng hóa trong tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi, ban hành và tổ chức triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Riêng năm 2017, đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về hỗ trợ, tạo diều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh; phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu đến năm 2020, trong đó năm 2017 đã có 6 đề án với nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ 900.000.000 đồng tập trung hỗ trợ hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: theo dõi 4 hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh, tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, thu hút trên 200 lượt doanh nghiệp tham gia, 40 nghìn lượt người tham quan, mua sắm, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Các mặt hàng tại hội chợ đa dạng, trong đó có sự góp mặt của nhiều mặt hàng truyền thống địa phương như nông sản, thảo dược, thổ cẩm... và tỷ lệ hàng Việt chiếm 70 - 80%. Tỉnh cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương như: chè Ô Long, chè Kim tuyên hộp, gạo séng cù Than Uyên, miến dong, vải thổ cẩm... Tổ chức, giới thiệu doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động kết nối doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành; thiết lập kênh phân phối hàng Việt qua hệ thống bán lẻ, chợ, siêu thị trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Năm qua, đã có 274 vụ vi phạm được phát hiện thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa lên tới trên 650 triệu đồng.

Bà Hương khẳng định, công tác quản lý nhà nước đã góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nhiều mặt hàng uy tín của địa phương được quan tâm, hỗ trợ và quảng bá trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế hàng Việt Nam, từng bước củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Có thể khẳng định, giờ đây hàng hóa có xuất xứ “Made in Việt Nam” đã lan tới khắp các bản làng của tỉnh, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đón nhận nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thực sự được một số cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức; hoạt động hội chợ chưa thu hút doanh nghiệp lớn có thương hiệu tham gia, một số mới chỉ dừng ở trưng bày, giới thiệu, bán lẻ thuần túy. Các sản phẩm hàng hóa trong nước chủ yếu nhập từ nơi khác về tỉnh, giá cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của Nhân dân; hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều cơ hội tồn tại, lưu thông...

Bởi vậy, để Nhân dân thực sự tin dùng, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường quản lý Nhà nước, thiết nghĩ động thác tích cực, thiết thực nhất vẫn là các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra những sản phẩm hàng hóa đẹp về mẫu mã, giá thành phải chăng; tích cực tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Hoàng Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...