Thứ năm, 25/04/2024, 23:46 [GMT+7]

Chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm

Thứ bảy, 16/06/2018 - 19:30'
(BLC) – Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy hoạch vùng nuôi; chủ động nguồn thức ăn; phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Từng bước nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng với ban hành cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng ổn định, bền vững; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi phương thức chăn nuôi, từ thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, kém hiệu quả sang quy mô trang trại (đầu tư con giống, thức ăn, nâng cao kỹ thuật, quản lý, thú y). Tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vệ sinh môi trường và phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn, vận động người dân tiêm vắc xin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ; bổ sung thức ăn và phòng chống đói rét vào mùa đông cho đàn gia súc… nên hàng năm đã giảm đáng kể tình trạng gia súc, gia cầm chết do rét đậm, rét hại gây ra.

Nhiều hộ dân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Trong ảnh: Người dân xã Bản Lang, huyện Phong Thổ chăm sóc đàn lợn.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tập trung đưa các giống mới, có hiệu quả kinh tế, chất lượng cao vào nuôi như: bò laisind, bò thịt, lợn hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, giảm bớt thời gian nuôi, tăng số lứa trong năm. Khai thác và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Điển hình như gia đình anh Anh Ma A De - bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ. Anh De chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi 1 đến 2 con trâu để lấy sức kéo phục vụ việc trồng ngô, lúa… Năm 2011, được cán bộ xã, bản tuyên truyền vận động nuôi thêm gia súc, nhà cũng có ruộng, đồi nên tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn mua 3 con dê và 2 con bò về nuôi. Qua các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thông huyện, Hội Nông dân xã tổ chức tôi đã hiểu được vai trò quan trọng của phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nên tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, giữ nhiệt độ chuồng không quá lạnh, dự trữ thức ăn vào thời kỳ cao điểm của mùa đông… Đảm bảo cho đàn gia súc sinh trưởng phát triển tốt. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn vật nuôi phát triển nhanh. Mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường 6-10 con dê. Số tiền thu về không chỉ để phục vụ chi tiêu sinh hoạt gia đình, nuôi 2 con ăn học, tôi còn có vốn đầu tư nhân rộng đàn dê. Hiện tại gia đình tôi có 50 con dê, 5 con bò, 4 con trâu. Sau này tôi tiếp tục phát triển chăn nuôi để tăng thêm thu nhập”.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và các hộ nông dân những năm qua tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng mạnh cả về quy mô và số lượng. Tổng đàn trâu bò đạt 117.955 con (tăng 2.555 con so với năm 2015). Theo tổng hợp báo cáo từ UBND các huyện, thành phố, hiện nay có hơn 64% số hộ chăn nuôi trâu, bò có chuồng trại và có 57% số hộ chăn nuôi trâu, bò có dự trữ thức ăn rơm, rạ, thân cây chuối, thức ăn tinh… cho trâu bò trong vụ đông. Diện tích cỏ trồng đến nay đã đạt 758,7ha.

Bên cạnh đó, đàn lợn cũng đạt 231.850 con (tăng 30.780 con so với năm 2015); đàn gia cầm đạt 1.392 nghìn con (tăng 365 nghìn con so với năm 2015). Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại với quy mô lớn; đồng thời đa dang hóa đối tượng nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản hướng thịt…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn như: việc phát triển các sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Lợn Mông, Gà Mông, một số loài vật nuôi bán hoang dã, hoang dã vẫn còn chậm. Việc chăn nuôi đặc sản theo quy mô gia trại, hộ gia đình hướng vào thị trường nội địa còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Quá trình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi còn hạn chế, một bộ phận người dân muốn phát triển chăn nuôi nhưng lại thiếu vốn…

Để đàn vật nuôi trên địa bàn phát triển ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi và hình thành các khu chăn nuôi tập trung; áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, vùng an toàn dịch nhằm phát huy lợi thế so sánh của một số sản phẩm (trâu thương phẩm, lợn cắp nách, gà thả đồi). Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chăn nuôi đặc sản địa phương. Tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ dịch bệnh và quản lý, kiểm soát chất lượng thức ăn, thuốc thú y (chất cấm, kháng sinh…) sử dụng trong chăn nuôi.

Hướng dẫn người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả quảng canh sang sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò ở các vùng có điều kiện phù hợp, có diện tích rừng tự nhiên lớn như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên và Than Uyên. Phát triển chăn nuôi bò theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Phát triển chăn nuôi lợn, gà đặc sản theo hướng gia trại như: gà Mông, lợn Mông, lợn rừng… tại các huyện Sìn Hồ, Mường Tè. Đầu tư xây dựng chuồng trại và mở rộng diện tích trồng cỏ tương xứng với quy mô đầu gia súc tại những vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung.

Các ngành chức năng cũng tăng cường giúp đỡ, tư vấn các hộ dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi lựa chọn con giống tốt, vệ sinh phòng bệnh nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất mở rộng quy mô chăn nuôi. Khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi để họ có khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ mới, chuyển giao nhanh và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi…

Từ đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...