Thứ sáu, 26/04/2024, 00:02 [GMT+7]

Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung

Thứ tư, 16/09/2020 - 14:51'
Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn). Chăn nuôi đang đóng góp tích cực vào nâng cao tỷ trọng kinh tế của xã.

Chăn nuôi đàn đại gia súc từ 10-20 con không còn là khó khăn với bà con xã Nậm Hàng. Trước đây, bà con dân bản trong xã chăn nuôi nhỏ lẻ, lấy sức kéo chủ yếu. Một phần do chưa biết cách chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả nên tỷ lệ gia súc chết do dịch bệnh cao, khó gây dựng đàn lớn. Vì thế, dù nắm “trong tay” lợi thế có nhiều bãi chăn thả, người dân chịu khó nhưng chăn nuôi của các bản vẫn chưa mang lại kinh tế cao. Thời gian gần đây, cùng với quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, Nhà nước và chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, chuyển giao kiến thức giúp bà con dân bản chuyển đổi hình thức chăn nuôi, hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Cà Văn Ngoan - Trưởng bản Nậm Cầy cho biết: “Được hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, bà con dân bản chuyển sang chăn nuôi tập trung đàn lớn. Việc chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chăn nuôi an toàn giúp nhiều hộ sớm hình thành đàn gia súc hàng chục con và từ tiền bán trâu, bò giúp bản có thêm nhiều hộ khá, kinh tế đi lên rõ rệt”. Đến nay, bản Nậm Cầy có đàn gia súc gần 600 con (trong đó 335 con trâu, 225 con bò), hầu hết các hộ chăn nuôi có chuồng trại, các nhóm hộ rào chắn, hình thành các bãi chăn thả và thường xuyên kiểm tra, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Người dân bản Phiêng Luông 1 (xã Nậm Hàng) chăm sóc đàn bò.

Xã Nậm Hàng có ưu thế diện tích đất tự nhiên rộng hơn 14.919,08ha với nhiều bãi chăn thả; nguồn thức ăn sẵn có cho chăn nuôi khá dồi dào, sản lượng ngô, sắn hàng năm đạt gần 2.000 tấn và phụ phẩm nông nghiệp các loại, đất chưa sử dụng khá lớn có thể khai thác, phát triển trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Bên cạnh đó, xã có lực lượng lao động nông thôn lớn, đồng bào các dân tộc có kinh nghiệm trong chọn giống, chăn nuôi gia súc thích nghi với điều kiện thời tiết miền núi, vùng cao. Phát huy những lợi thế, cấp ủy, chính quyền xã giúp các hộ chăn nuôi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, con giống. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa qua các buổi họp dân; các hội, đoàn thể lồng ghép vào buổi sinh hoạt; phối hợp với các đơn vị chuyên muôn huyện, tỉnh tổ chức các buổi truyền thông về cơ sở. Hướng dẫn người dân trồng cỏ, dự trữ thức ăn và quản lý dịch bệnh. Quan tâm lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo hỗ trợ các hộ khó khăn mua con giống, xây dựng chuồng trại. Dần đưa chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung thành hướng đi phát triển kinh tế mũi nhọn của xã.
Nhận thấy lợi ích thiết thực từ việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, hộ chăn nuôi xã Nậm Hàng dần bỏ tập quán chăn nuôi cũ, vay vốn, đầu tư mua con giống tốt, xây dựng chuồng trại. Các hộ chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi; học hỏi chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho chăn nuôi; phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các biện pháp tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ cho 100% gia súc, phòng, chống rét, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, đàn đại gia súc toàn xã tăng lên 2.721 con (trong đó: đàn trâu 1.799 con; đàn bò 901 con), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm; hơn 65% các hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại; trên 60 hộ gia đình có từ 15 - 30 con trâu bò, trên 120 hộ có từ 5 con trâu bò trở lên đã mang lại thu nhập cho người dân. UBND xã cũng đã quy hoạch các điểm chăn nuôi, hiện nay có 25 điểm chăn nuôi tập trung chia đều cho các bản; khoanh vùng cho các bản tập trung trồng cỏ với 37,5ha trồng giống cỏ VA06. Hiện, xã có 15 mô hình điển hình chăn nuôi tập trung theo hộ gia đình ở các bản: Phiêng Luông 1, Phiêng Luông 2, Nậm Cầy, Nậm Ty. Các mô hình mới phát triển 2 năm trở lại đây và bước đầu đem lại kết quả tốt. Ông Lò Văn Bóng, hộ chăn nuôi tiêu biểu bản Phiêng Luông 1 (xã Nậm Hàng) chia sẻ: “Được chính quyền xã tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi mới, giúp gia đình tôi gây dựng được khu trang trại chăn nuôi rộng gần 1ha. Với đàn bò hơn 8 con, tôi chủ động xây dựng chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ và tiêm phòng đầy đủ. Mỗi năm từ chăn nuôi đại gia súc mang lại cho gia đình tôi hàng chục triệu đồng”.
Chăn nuôi hiệu quả, giúp nâng thu nhập bình quân đầu người của xã hết năm 2019 tăng lên 25 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hơn 4% mỗi năm. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, chú trọng xây dựng chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh, duy trì tốc độ tăng đàn 6%/năm.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...