Thứ năm, 25/04/2024, 22:16 [GMT+7]

Chương trình OCOP - Cơ hội vàng, thách thức lớn

Thứ tư, 24/06/2020 - 17:47'
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP đang được tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện. Chương trình là cơ hội vàng để tỉnh khai thác tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, đây là chương trình mới nên đang là thách thức lớn đối với một tỉnh nghèo như Lai Châu.

Cơ hội vàng
Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2018 “Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (gọi tắt là Chương trình OCOP) nêu rõ: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Quỳnh - Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chương trình OCOP là cơ hội để tỉnh ta tạo ra những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ chất lượng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của các chủ thể như: hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Đồng thời, quảng bá, đưa các sản phẩm chất lượng của tỉnh vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện Kế hoạch số 836/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, đến nay, Sở đã phối hợp với các đơn vị tư vấn; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của một số sản phẩm, chủ thể có tiềm năng để tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Trong đó, xác định được 80 sản phẩm tiềm năng của 31 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, chủ hộ kinh doanh.
Được biết, hiện nay, qua khảo sát sơ bộ, có khoảng 30 sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chè, rau thủy canh ở thành phố, gạo séng cù của HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên), điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ ở Phong Thổ…

Ông Nguyễn Văn Yên (bên trái) - Giám đốc HTX xây dựng Thanh Xuân (huyện Than Uyên) giới thiệu mẫu mã bao bì sản phẩm gạo séng cù chất lượng cao của huyện.

Ông Nguyễn Văn Yên (bên trái) - Giám đốc HTX xây dựng Thanh Xuân (huyện Than Uyên) giới thiệu mẫu mã bao bì sản phẩm gạo séng cù chất lượng cao của huyện.

Cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX xây dựng Thanh Xuân (huyện Than Uyên) cho biết: Được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai Chương trình OCOP, tôi thấy đây là cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu sản phẩm gạo séng cù Than Uyên trên thị trường trong nước. Vì vậy, để đạt được các điều kiện, tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, HTX thuê Công ty TNHH Tân Trang thiết kế mẫu bao bì gạo séng cù; đăng ký mã vạch với Sở Khoa học và Công nghệ; gửi mẫu kiểm nghiệm phân tích mẫu, chất lượng của gạo; đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng thu mua thóc séng cù đối với 206 hộ dân ở 2 xã: Mường Cang, Hua Nà với sản lượng ước tính gần 300 tấn thóc/năm. Bên cạnh đó, HTX đầu tư giàn sấy; hệ thống máy xay xát, sàng gạo; xe tải vận chuyển và thuê công nhân làm việc. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, gạo séng cù của HTX chúng tôi đạt chất lượng 3 sao.
Thách thức lớn
Mặc dù Chương trình OCOP mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của tỉnh trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như việc các địa phương chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế, tiềm năng; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ; các doanh nghiệp, HTX thiếu cả số lượng và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó mối liên kết giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông ở mức thấp nhất. Sản phẩm chưa qua chế biến chất lượng thấp; chưa có tem, nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc.
Ông Quỳnh cho biết thêm: Vì đây là chương trình mới của tỉnh nên nhận thức của cán bộ tham mưu, quản lý chương trình các cấp, cộng đồng hạn chế. Vì từ khi triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến nay, Sở mới ban hành được “Hướng dẫn tạm thời thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2020” đến các huyện; chưa tổ chức được một buổi tập huấn để triển khai thực hiện chương trình. Việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa chương trình trong cộng đồng chưa được triển khai sâu rộng. Với nhiều khó khăn đó, hiện nay, qua đánh giá sơ bộ mới có 5-7 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao, khoảng hơn 10 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao.
Để triển khai Chương trình OCOP hiệu quả, phát huy ưu thế rõ nét các sản phẩm chủ lực của tỉnh đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực của các chủ thể doanh nghiệp, HTX trong việc chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Được biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố; đẩy mạnh công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP, tiếp thị quảng bá các sản phẩm OCOP; khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chú trọng tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình; đồng thời hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Trước mắt, hoàn thiện các sản phẩm OCOP của năm 2020 và tổ chức chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm từ cấp huyện đến cấp tỉnh trong tháng 7.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...