Thứ sáu, 29/03/2024, 18:28 [GMT+7]

Cuối năm, giá vàng có thể lên 33 triệu đồng/lượng

Thứ hai, 04/10/2010 - 14:01'
Đó là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, thành viên Hội đồng vàng thế giới, về biến động của giá vàng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam.

Theo ông Khánh,giá vàng trong nước đã tăng liên tục trong nhiều năm trở lại đây và có thể chạm ngưỡng 32,5 - 33 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Trong 10 năm qua, giá vàng đã đã tăng gấp 6 lần.

Giá vàng biến mạnh động trong thời gian gần đây, liên tục lập các kỷ lục mới. Theo ông vì sao lại có hiện tượng này?

Từ đầu năm giá vàng thế giới đã được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce vào cuối tháng 10, và thực tế đã chạm ngưỡng này sớm hơn 1 tháng.

Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do kinh tế Mỹ phục hồi chậm hơn kỳ vọng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ lãi suất thấp trong 2 năm trở lại đây; và hiện Chính phủ Mỹ còn có ý định bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Khi việc này xảy ra thì đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, lạm phát sẽ tăng cao nên nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một kênh trú ẩn tốt nhất.

Thêm vào đó, hiện có nhiều điều kiện đang hỗ trợ cho sự tăng giá của vàng, đó là việc các ngân hàng trung ương không bán vàng ra trong thời điểm này, các quỹ đầu tư thì liên tiếp mua vào, và nhu cầu vàng cho mùa lễ hội ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang tăng cao.

Cũng không ngoại trừ các nhà đầu cơ của Mỹ đang tiến hành mua vàng vào, khiến giá tăng đột biến trong thời gian ngắn và có thể đảo chiều trong ngắn hạn, song về dài hạn khả năng tăng giá của vàng sẽ ngày càng lớn và chưa có xu hướng giảm.

Giá vàng trong nước hiện vẫn đi theo đà tăng của giá vàng thế giới nhưng hiện tại do cung cầu chưa gặp nhau nên giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng.

Ngoài ra, giá vàng tại Việt Nam còn bị chi phối bởi yếu tố tỷ giá, nếu tỷ giá giữa USD và tiền đồng thay đổi thì lập tức giá vàng cũng có những chuyển động theo.

Như vậy, giá vàng trong thời gian tới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Theo tôi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng, và mức giá hiện tại chưa phải là kỷ lục. Giá vàng có thể chạm ngưỡng 1.350 USD/ounce vào cuối năm nay và trong năm 2011, có thể sẽ lên mức 1.500 USD/ounce. Việc tăng giá của vàng là tất yếu vì tình hình kinh tế thế giới chưa hứa hẹn nhiều lạc quan trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Và như vậy, giá vàng trong nước cũng có thể chạm ngưỡng 32,5-33 triệu đồng/lượng vào cuối năm.

Giá vàng trong nước hiện đang tăng nhanh hơn giá thế giới, nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng trong nước đang bị làm giá. Ông nghĩ sao về điều này?

Khó mà có thể làm giá được khi thị trường quá rộng lớn và không dễ bị chi phối. Việc tăng giá mạnh của vàng vào cuối tháng 9 vừa qua là do nhu cầu vàng trong nước, mà chủ yếu là những người cắt lỗ do bán khống trước đó, tăng đột biến. Trong khi cung vàng của các doanh nghiệp không đủ đáp ứng kịp thời, vì người dân không bán ra, nên dẫn đến việc giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới.

Nhưng khoảng cách này sẽ sớm được rút ngắn do việc nhập lậu vàng sẽ diễn ra khi giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng như hiện nay. Khi nhập lậu nhiều, nguồn cung không còn hạn chế thì giá vàng trong nước và thế giới sẽ tự động kéo gần lại.

Như ông nói thì cung vàng trong nước nhiều lúc không đáp ứng đủ ở một vài thời điểm, vậy để có nguồn cung cho doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước có nên cho phép nhập vàng không?

Thực ra, theo tôi thì vàng trong nước không thực sự khan hiếm, chỉ là vì người dân không bán ra, việc doanh nghiệp thiếu vàng chỉ là tạm thời vì hiện tại thị trường vàng khá trầm lắng.

Ngân hàng Nhà nước vẫn nên cho nhập vàng, nhưng là để ổn định tâm lý thị trường, tránh tạo ra các cơn sốt ảo, chứ không phải để cân đối cung cầu. Chỉ cần cho các doanh nghiệp nhập khoảng 5 tấn vàng thì thị trường sẽ tránh được xáo trộn.

Thực tế, hiện tượng nhập vàng lậu lại tiếp diễn khi khoảng chênh lệch khá xa như tôi nói ở trên, và như vậy USD trên thị trường tự do được gom mua để nhập vàng, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ngoại tệ và có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có nhu cầu mua USD trên thị trường tự do.

Thêm vào đó, trong năm nay Việt Nam đã xuất khẩu từ 60-70 tấn vàng, vì vậy việc nhập về khoảng vài tấn thì cũng là việc hợp lý.

Nhưng hiện tại việc cấm nhập xuất là thường xuyên, rồi khi thị trường ở trạng thái căng thẳng thì mới cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp, theo ông có thể coi đó có thể xem là biện pháp tạm thời? Để ổn định thị trường vàng trong nước thì biện pháp tốt nhất là gì, thưa ông?

Việc đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt hơn trong việc cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp để không xảy ra hiện tượng khan hàng như vừa qua. Có thể lượng nhập không lớn nhưng sẽ khiến thị trường thông thoáng, không bị thắt nút như hiện nay, tránh được việc nhập vàng lậu, gây thất thoát thuế của đất nước.

Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam không có sàn vàng chính thức như mô hình của nhiều nước nên giá vàng mà các doanh nghiệp đưa ra có thể bị cho là làm giá. Trong khi nếu có sàn vàng chính thức, hoạt động như sàn chứng khoán thì có thể dùng giá khớp lệnh để làm giá tham chiếu niêm yết tại các công ty. Và các cửa hàng vàng cũng sẽ dựa vào đó để tính toán giá mua, giá bán cho hợp lý, tránh có chuyện mỗi doanh nghiệp tự quyết định giá bán của mình như hiện nay.

Hiện tượng vay vàng ngân hàng rồi bán, chờ giá xuống mua lại đã có từ lâu, nhưng nay lại rộ lên khi các sàn vàng đã chính thức đóng cửa. Rủi ro nào cho nhà đầu tư khi tham gia hình thức đầu tư này?

Rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân đối với hình thức này đã rõ, đó là khi giá vàng liên tục tăng như hiện nay thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không thể mua vàng với giá thấp hơn, trả cho ngân hàng để ăn chênh lệch, mà ngược lại, sẽ phải mua vàng với giá cao hơn để tất toán các khoản vay đối với ngân hàng, như vậy việc lỗ là tất nhiên.

Thực tế, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều người vay tiền đồng để mua vàng, chờ giá cao rồi bán, những người này sẽ kiếm được lợi nhuận khi giá tăng liên tục như hiện nay. Theo tôi đây là hình thức đầu tư bình thường, nhà đầu tư cũng đã đoán biết được lợi nhuận và rủi ro khi tham gia hình thức đầu tư này.

Việc đáng lưu tâm là nhiều ngân hàng hiện nay cho các doanh nghiệp vay vàng để bán lấy tiền đồng kinh doanh, vì lãi suất cho vay vàng khá thấp. Số vàng vay lớn hơn nhiều so với vốn pháp định của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp lỗ trong quá trình kinh doanh, trong khi giá vàng liên tục tăng mạnh thì việc phá sản của doanh nghiệp là có thể xảy ra. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Trên thế giới hiện vẫn áp dụng hợp đồng tương lai. Nếu cần vay vàng theo hình thức này thì nhà đầu tư hoàn toàn không bị tác động về giá. Ví dụ nhà đầu tư vay vàng và chốt giá, trả thêm lãi suất và khoản rủi ro biến động, tổng cộng khoảng 5%, trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy nhà đầu tư có thể biết rõ khoản phải trả khi đáo hạn nếu quyết định vay vàng để đầu tư hay sản xuất kinh doanh. Việc bảo hiểm rủi ro giá vàng hiện tại vẫn chưa có tại Việt Nam nên việc vay vàng để đầu cơ hay đầu tư đều nên cẩn trọng.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...