Thứ năm, 25/04/2024, 20:55 [GMT+7]

Giúp người dân nâng cao thu nhập

Thứ ba, 06/07/2021 - 09:17'
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Mường So (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, xã có những điều chỉnh linh hoạt đối với hoạt động của những ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực của địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đèo Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Mường So cho hay: Xã có 11 thôn, bản, 1.685 hộ, với trên 6 nghìn nhân khẩu, 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 70% dân số. Hiện nay, phát triển thương mại, dịch vụ và chăn nuôi gia súc là lĩnh vực kinh tế chủ lực của địa phương. Vì vậy, xã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy 2 lĩnh vực này phát triển nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, chú trọng đơn giản hóa cải cách hành chính, chính, tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng mở rộng quy mô chăn nuôi, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ. Toàn xã hiện có trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã; hơn 300 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, các hộ dân thôn Tây Nguyên (xã Mường So, huyện Phong Thổ) phát triển hoạt động thương mại dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ quy trình chăm sóc, phòng bệnh trên gia súc, gia cầm. Chỉ đạo sát sao, xây dựng kế hoạch tăng đàn và tái đàn; kiểm soát chặt chẽ, bình ổn giá thị trường, nhất là đối với giá thịt lợn trong mùa dịch Covid-19. Tăng cường phun khử khuẩn cho các chuồng trại có lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, tuyên truyền các hộ dân chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản. Được biết, tổng đàn gia súc của xã đạt trên 1.600 con, đàn gia cầm hơn 33 nghìn con.

Mường So vốn được coi là “kinh đô” mua sắm của các xã vùng lân cận như: Bản Lang, Hoang Thèn, Khổng Lào, Nậm Xe… Dọc các tuyến đường trục chính của xã đi Khổng Lào, Nậm Xe, những cửa hàng mọc lên dày đặc, hầu như thứ gì cũng có. Nhiều cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ xen lẫn là dịch vụ làm đẹp, thời trang, ăn uống. Mấy trung tâm mua sắm điện tử, điện lạnh, xe máy, xe đạp, chăn ga gối đệm thu hút đông người đến mua sắm, nhất là vào dịp cuối tuần hay có chương trình khuyến mãi. Chợ Mường So rộng, đồ thực phẩm tươi sống phong phú; không gian chợ sầm uất, nhộn nhịp như các chợ lớn ở thành phố.

Ghé thăm cửa hàng tạp hóa Hạnh Lụa ở thôn Tây Nguyên, chúng tôi thấy hơn chục lượt người mua hàng. Những ngày nắng nóng, người dân ở các xã Bản Lang, Khổng Lào đến cửa hàng mua nhiều hoa quả, các loại nước uống giải khát; quán có cả bàn uống nước tiện lợi phục vụ người qua đường dừng chân giữa trưa hè.

Theo lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nủ - Chủ cửa hàng tạp hóa Hạnh Lụa: “Cửa hàng tôi mở được 5 năm rồi. Bình quân mỗi ngày có hơn 80 lượt khách đến mua hàng. Gia đình tôi được xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh, buôn bán. Ký kết hợp đồng với đơn vị hợp tác xã thu gom rác thải hàng ngày; vào buổi tối có đội tuần tra đi tuần. Nhờ đó, vệ sinh dọc tuyến này luôn được sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo, chúng tôi rất yên tâm buôn bán hàng. Bình quân, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được hơn 50 triệu đồng”.

Song song với đó, xã Mường So triển khai các giải pháp phát triển lĩnh vực trồng trọt, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho Nhân dân và phục vụ chăn nuôi; xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị cao. Trong đó, xã tập trung kiểm tra, hướng dẫn bà con các thôn, bản thực hiện các mô hình lúa chất lượng cao (J02, J01, PC6…). Đẩy mạnh xây dựng các vườn mẫu, vườn trái cây đẹp; kết hợp chăn nuôi và phát triển vườn với mô hình sản xuất mới như trồng hoa, sản xuất lúa hữu cơ. Qua đó, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, xã tận dụng các nguồn vốn đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, kè bảo vệ đất ruộng cánh đồng Tùng So; duy tu, sửa chữa, nâng cấp các đường giao thông nội bản Nà Củng, Tây Sơn, Huổi Bảo, Tây Nguyên… Giao thông đi lại thuận tiện giữa các bản góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa phát triển; nước tưới tiêu cho các cánh đồng cơ bản được đảm bảo.

Được biết, xã Mường So có tổng diện tích cấy lúa 286ha, 90ha ngô, 42ha cây rau màu, 99ha cây ăn quả (trong đó có 65ha cây chuối). Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt gần 2 nghìn tấn. Từ năm 2020 đến nay, xã triển khai xây dựng cải tạo vườn tạp, vườn mẫu; hỗ trợ làm chuồng trại cho 31 hộ nuôi trâu, bò, ngựa… Hơn 1 nghìn hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 55 tỷ đồng. Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.

Năm 2020, xã Mường So đạt thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,47%. Tin rằng, với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền Mường So với nhiều giải pháp cụ thể; Nhân dân trong xã đồng thuận tiếp tục phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình mới thì chỉ tiêu thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm 2021 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...