Thứ sáu, 29/03/2024, 12:21 [GMT+7]

Giảm nghèo bền vững ở vùng khó

Thứ sáu, 25/09/2020 - 10:06'
(BLC) - Những năm qua, lựa chọn, xác định hướng đi đúng với quyết tâm chính trị cao, công tác giảm nghèo của huyện Nậm Nhùn đạt nhiều kết quả. Thành quả lớn nhất là Nhân dân từng bước bắt nhịp với nền sản xuất hàng hóa, đổi mới tư duy trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập đáng kể.

Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, xuất phát điểm kinh tế thấp. Khó khăn lớn nhất là hầu hết các bản đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa đồng bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án như: 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc La Hủ, Mảng, Cống trên địa bàn tỉnh Lai Châu và các chính sách khác nhằm hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, đồng bào có thêm nguồn lực và dần được tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã lồng ghép, tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới. Đặc biệt quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, với quy mô lớn; hình thành mô hình nuôi thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện; liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ Chương trình 30a/CP của Chính phủ, huyện Nậm Nhùn được đầu tư gần 256,3 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục đích xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ về tiền điện, tiền học, mua bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó, chủ yếu hỗ trợ các giống cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón… cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Ngoài ra, huyện Nậm Nhùn cũng chú trọng nâng cao công tác đào tạo nghề. Hàng năm, tổ chức đào tạo nghề cho trên 400 lao động nông thôn, dự kiến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 47,2%, tăng 11,3% so với năm 2016. Mặt khác, phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và xã hội), các công ty, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương; phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tuyển dụng 18 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Người dân bản Phiêng Luông, xã Nậm Hàng đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng hàng hoá giúp nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Gia đình ông Lưu Văn Lẩu, bản Phiêng Luông, xã Nậm Hàng chú trọng chăn nuôi có đầu tư.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế như: xoài, nhãn, chanh leo, dứa, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản… Nhờ nguồn vốn hỗ trợ mà công tác giảm nghèo có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân cải thiện rõ rệt, thu nhập ngày càng tăng. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 28,5 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình trên 5% (từ 45,86% năm 2016 xuống 19,66% năm 2020). Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho 4 xã của huyện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Mường Mô là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Nậm Nhùn đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 6 năm di dân, tái định cư phục vụ xây dựng Thủy điện Lai Châu, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh, huyện đã giúp người dân mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế. Nhân dân tập trung xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả như: nhãn, xoài; chăn nuôi đại gia súc; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Đến nay, toàn xã có 250 lồng cá, sản lượng đánh bắt đạt 36 tấn/năm. Từ đó, tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,01%.

Nói như ông Mào Văn Dũng ở bản Mường Mô, xã Mường Mô: Có kiến thức, người dân các bản trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng gia đình tôi được hỗ trợ 70 cây giống xoài Đài Loan vào năm 2019, cán bộ các phòng chuyên môn của huyện tận tình hướng dẫn từ cách trồng, chăm sóc, cây trồng sinh trưởng và phát triển rất tốt. Nếu không được hỗ trợ cây giống, phân bón, tôi cũng không dám đầu tư trồng loại cây này, bởi vì giá giống cao mà điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.

Thực tế cho thấy, các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho người nghèo tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Lan tỏa theo đó là các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin… cơ bản được đáp ứng.

“Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, có ý thức tự vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho Nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ cây, con giống nhằm chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa” - ông Hà Văn Sơn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.

Tuấn Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...