Thứ sáu, 29/03/2024, 00:34 [GMT+7]

Giang Ma phát triển mô hình nuôi dê

Thứ hai, 13/11/2017 - 10:17'
(BLC) - Từ nguồn vốn Dự án giảm nghèo Ngân hàng thế giới (WB), hộ nghèo ở xã Giang Ma (huyện Tam Đường) được hỗ trợ mô hình nuôi dê. Với khả năng kháng bệnh cao, chi phí đầu tư ít, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo lời giới thiệu của anh Giàng A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma, hiện nay ở bản Sử Thàng có mô hình nuôi dê tập trung trên núi rất hiệu quả. Dù đường lên khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi để “mục sở thị” mô hình. Mất gần 2 tiếng đi bộ vượt qua nhiều đường mòn, dốc cao, lởm chởm đá, trơn trượt chúng tôi cũng đến nơi. Khu chăn nuôi dê tập trung được các hộ đầu tư bài bản, chuồng trại xây dựng kiên cố, làm hàng rào cẩn thận. Qua trò chuyện với anh Ma A Tủa (thành viên nhóm nuôi dê bản Sử Thàng) chúng tôi được biết, cuối năm 2013, từ nguồn vốn giảm nghèo WB, 8 hộ trong bản được hỗ trợ tiểu dự án nuôi dê (2 con dê/hộ). Lúc đầu, các hộ rất lo lắng vì đồng bào dân tộc Mông ở đây chỉ quen trồng lúa, ngô còn chăn nuôi nhỏ lẻ, đa số thả rông. Nắm bắt tâm lý của bà con, xã cử cán bộ phối hợp với cán bộ Dự án giảm nghèo của huyện xuống tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán chăn nuôi; hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc đàn dê. Theo đó, 8 hộ thành lập nhóm giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Sau khi bàn bạc với trưởng bản, các hộ tìm địa điểm ở trên núi để làm chuồng trại vì khí hậu thích hợp, nguồn thức ăn phong phú. Tránh tình trạng ỷ lại, nhóm phân công lịch cụ thể cho từng hộ. Mỗi gia đình có nhiệm vụ chăm sóc đàn dê một ngày, khi dê đến thời kỳ xuất chuồng, mỗi hộ trích lại 100 nghìn đồng/con để gây dựng quỹ cho nhóm. Mặc dù đường lên núi rất khó nhưng gia đình nào cũng tự giác chăm sóc. Nhờ vậy, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt, tăng từ 16 con lên 100 con.

Người dân bản Sử Thàng chăm sóc đàn dê.

Tâm sự với chúng tôi, chị Giàng Thị Vàng (thành viên trong nhóm) vui mừng nói: “Trước đây, gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, canh tác ít ruộng nên cuộc sống khó khăn. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ nuôi dê theo nhóm, mình đầu tư làm chuồng trại, chăm sóc cẩn thận. Nhờ vậy, đến nay gia đình mình có 12 con dê, năm ngoái bán được 4 con thu về hơn 15 triệu đồng. Nhờ có số tiền này mình đầu tư mua phân bón phục vụ sản xuất, hy vọng từ nuôi dê sẽ đem lại thu nhập cao, ổn định”.

Cũng theo anh Tủa, đầu ra cho đàn dê rất ổn định, đa số các nhà hàng trên thành phố Lai Châu xuống tìm mua nên thời gian tới các hộ sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi. Có thêm thu nhập từ bán dê, các thành viên trong nhóm thống nhất 1 năm đóng thêm 400 nghìn đồng tạo nguồn quỹ cho các hộ nghèo trong bản vay lãi suất thấp. Đến nay, nguồn quỹ của nhóm đạt 15 triệu đồng và một số hộ trong bản vay để phát triển kinh tế.

Nhận thấy mô hình nuôi dê ở bản Sử Thàng mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, xã Giang Ma tiếp tục triển khai mô hình nuôi dê tập trung ở bản Giang Ma, Mào Phô. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Vàng A Chang - Trưởng nhóm nuôi dê của bản Giang Ma đúng lúc anh chuẩn bị lên rừng kiểm tra đàn dê. Tâm sự với chúng tôi, anh Chang cho biết: “Nhóm có 8 hộ, ban đầu mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê. Sau 2 năm, đàn dê của nhóm tăng lên 30 con. Theo đánh giá của các hộ trong nhóm, để đàn dê khỏe mạnh cần chú ý vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thức ăn phải khô ráo trước khi cho dê ăn. Tuy nhiên so với những con vật khác, nuôi dê không vất vả, kinh phí chăn nuôi cũng không nhiều. Chủ yếu ăn lá cây, cỏ, các loại củ đều là những loại thức ăn dễ kiếm và có sẵn trong tự nhiên. Bên cạnh đó, nếu chăm sóc tốt một con dê sinh sản bình quân từ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa 2 - 3 con. Khoảng từ 10 - 12 tháng dê sẽ cho xuất chuồng, giá thịt hơi trên thị trường hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về cao hơn các con vật nuôi khác”.

Với lợi thế bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo WB, xã Giang Ma triển khai các tiểu dự án chăn nuôi dê ở các bản Sử Thàng, Mào Phô, Giang Ma. Để lựa chọn đúng đối tượng tham gia mô hình, xã cử cán bộ xuống họp bản tổ chức cho Nhân dân bình xét, đặc biệt ưu tiên hộ nghèo. Các hộ tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ giống, cán bộ hướng dẫn xây dựng phương án chăn nuôi, thành lập nhóm, cách phòng bệnh cho dê. Qua kiểm tra đàn dê sinh trưởng tốt, phù hợp khí hậu địa phương, ít mắc bệnh đã góp phần nâng tổng đàn dê của xã lên 646 con.

Hiện, xã Giang Ma đang tiếp tục vận động Nhân dân nhân rộng mô hình nuôi dê. Coi đây là hướng phát triển kinh tế mới nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho nông dân trong xã.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...