Thứ bảy, 20/04/2024, 02:56 [GMT+7]

Hồ Thầu phát triển cây dược liệu

Thứ tư, 27/10/2021 - 15:36'
(BLC) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) đẩy mạnh phát triển một số cây dược liệu như: thất diệp nhất chi hoa, thảo quả, sâm ngọc linh… Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với chú trọng khâu chăm sóc, cây dược liệu trên đất Hồ Thầu ngày càng sinh trưởng, phát triển tốt, từng bước xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Là xã vùng cao của huyện Tam Đường, Hồ Thầu có khí hậu quanh năm mát mẻ, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Những năm gần đây, người dân các bản thường xuyên học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu trên sách, báo, mạng xã hội; tiến hành trồng thử nghiệm một số cây dược liệu tại các bản: Sì Thâu Chải, Nhiều Sang...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tẩn Thị Nhẫn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Hiện nay, xã có 183ha thảo quả, trong đó 100% diện tích cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 45,7 tấn. Ngoài ra, xã trồng 0,067ha thất diệp nhất chi hoa, hiện nay đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào năm 2024. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các loại cây: thất diệp nhất chi hoa, sâm ngọc linh, thảo quả… là những cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, vì vậy cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện mở các tập huấn về chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý, đồng thời nâng cao thu nhập cho Nhân dân”.

Người dân bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu chăm sóc cây thất diệp nhất chi hoa.

Người dân bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu chăm sóc cây thất diệp nhất chi hoa.

Được biết, cây thảo quả phù hợp trồng dưới tán rừng, ít sâu bệnh, dễ thu hái. Kỹ thuật trồng, công đoạn chăm sóc khá đơn giản, từ 3 - 4 năm có thể thu hoạch. Hàng năm, người dân chỉ cần phát cỏ 2 - 3 lần, tỉa lá già, năm thứ ba cây bắt đầu ra hoa, kết quả. Trồng thảo quả đem lại nhiều lợi ích, vừa giữ rừng, giữ nước và giá thành quả tương đối cao, dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg khô. Nhờ thảo quả, nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Tẩn A Nao (bản Nhiều Sang, xã Hồ Thầu) vui mừng chia sẻ: "Nhận thấy cây thảo quả phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, giá trị kinh tế cao tôi mạnh dạn trồng hơn 1ha thảo quả. Đến nay, diện tích thảo quả trồng dưới tán rừng phát triển tốt, thu hoạch được 3 - 4 tạ/năm thảo quả khô, cho thu nhập trung bình từ 30 - 40 triệu đồng mỗi năm. Nhờ trồng thảo quả, kinh tế gia đình đã khá giả hơn, có điều kiện lo cho con học hành, cuộc sống ngày càng được cải thiện”.

Là một trong những dược liệu quý, cây thất diệp nhất chi hoa được Nhân dân tự trồng tại bản Nhiều Sang, Sì Thâu Chải. Thất diệp nhất chi hoa còn được gọi là cây 7 lá 1 hoa, có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn, kháng virut cúm, làm giãn phế quản, chống co thắt, trừ đờm, giảm ho, giảm đau, chống viêm, cầm máu và đặc biệt có tác dụng ức chế trực tiếp sự phát triển của tế bào ung thư. 

Nhiều Sang là bản đi đầu trong việc trồng cây thất diệp nhất chi hoa, đến nay 27 hộ dân của bản đã trồng được hơn 5.000 cây. Anh Lù A Hoản - Bí thư chi bộ, trưởng bản Nhiều Sang phấn khởi nói: "Để cây thất diệp nhất chi hoa sinh trưởng, phát triển tốt, bản chia 27 hộ trồng dược liệu thành 6 tổ, mỗi tổ phân công 2 người chăm sóc và bảo vệ trong thời gian 10 ngày, sau đó tiến hành luân phiên nhau. Nhờ chăm sóc chu đáo, toàn bộ diện tích cây 7 lá 1 hoa phát triển tốt, từ đầu năm đến nay bản đã bán được 120 cây, với giá 250.000 đồng/cây, thu được 30 triệu đồng.

Đây là năm thứ 3 bản trồng cây thất diệp nhất chi hoa, dự kiến từ năm thứ 5 sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, bản trồng được hơn 1.000 cây sâm ngọc linh, trong đó có 150 cây cho hạt, năm nay chúng tôi thu được 1.500 hạt, toàn bộ số hạt này giữ lại để tiếp tục nhân giống. Tin tưởng rằng, với sự chủ động, tích cực của người dân trên địa bàn cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, diện tích cây dược liệu của bản sẽ phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm tới”.

Cây dược liệu trên đất Hồ Thầu đang từng bước mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Thời gian tới, xã Hồ Thầu tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích cây dược liệu. Đồng thời, cử cán bộ nông nghiệp xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người dân để bảo tồn và phát triển những loại cây dược liệu quý trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày một phát triển.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...