Thứ bảy, 20/04/2024, 06:22 [GMT+7]

Hiệu quả nuôi giun quế

Thứ tư, 15/09/2021 - 09:41'
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu (huyện Than Uyên) tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các mô hình mới vào canh tác, sản xuất. Theo đó, xã đã triển khai mô hình nuôi giun quế hay còn gọi là trùn quế, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực.

Sau khi được cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu triển khai, tuyên truyền về mô hình nuôi giun (trùn) quế, gia đình anh Lò Văn Hải (ở bản Pá Khôm) là hộ đầu tiên mạnh dạn trong việc nuôi giun quế. Từ 25kg giun giống được hỗ trợ ban đầu, anh tiến hành nuôi trên diện tích 10 m2. Chi phí đầu tư nuôi giun quế không nhiều, trong khi hiệu quả kinh tế đạt khá cao. Nếu đầu tư nuôi khoảng 30-40 m2 giun quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản thì có thể đạt lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi giun quế ở xã Pha Mu (huyện Than Uyên) đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Theo anh Lò Văn Hải, nuôi giun quế là một trong các giải pháp hữu hiệu để điều hòa dinh dưỡng làm tơi xốp đất; đồng thời mang lại nguồn thức ăn bổ dưỡng bổ sung đạm để nuôi cá, chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, việc nuôi giun quế phải đảm bảo các yếu tố chuồng trại kiên cố, có mái che, ánh sáng vừa phải, nguồn thức ăn đầy đủ và một điều quan trọng là độ ẩm tốt.

Anh Hải tâm sự: “Tôi tham khảo quy trình, kỹ thuật nuôi giun quế qua tài liệu, sách báo, trên internet; tận dụng những phụ phẩm, phế phẩm như: rơm rạ, phân trâu, bò, gia cầm nhưng qua chế độ ủ. Do giun rất sợ ánh sáng nên phải che chắn chuồng thật kỹ, riêng chuồng nuôi xây quây ván, lót bạt; trên luống có mái che, mái cách mặt luống khoảng 1 m. Nhờ đặc tính phân hủy chất thải tốt, giun quế sẽ biến phân gia súc thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng trong trồng hoa, cây cảnh và được thị trường ưa chuộng”.

Nhận thấy việc nuôi giun quế phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay, xã Pha Mu đưa mô hình nuôi giun quế thực hiện ở một số bản để bà con nuôi thử nghiệm từ tháng 2/2021. Để Nhân dân đồng thuận làm theo, xã tích cực tuyên truyền về lợi ích từ việc nuôi giun quế cho giá trị kinh tế cao cũng như góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường khi thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức tập trung, lấy phân gia cầm làm thức ăn cho giun. Bên cạnh đó, xã phân công cán bộ chuyên môn, các đoàn thể phối hợp cán bộ chuyên môn của cơ quan Khối Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ bà con trong quá trình nuôi giun quế. Vận động người dân tận dụng những phụ phẩm thải ra trong chăn nuôi làm thức ăn cho giun; đồng thời tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong bản, cộng đồng dân cư.

Ông Vàng A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã vận động người dân mở rộng quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp; tập trung vào những sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương. Mô hình nuôi giun quế là hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch vào cuối năm 2021”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Pha Mu có trên 14 hộ nuôi giun quế. Việc nuôi giun quế ít rủi ro, kỹ thuật đơn giản, tốn ít công chăm sóc, mang lại nhiều lợi ích. Giun nuôi để làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Theo tính toán, 1 m2 nuôi trùn quế sinh khối sau một tháng được 6-8kg giun tinh, bán ra thị trường giun quế giống với giá 30.000 đồng/kg, giun còn phục vụ chăn nuôi, bởi giun quế có lượng đạm lớn; đặc biệt giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ông Lò Văn È - Chủ tịch Hội Nông dân xã Pha Mu chia sẻ: “Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về mô hình nuôi giun quế và chuyển giao công nghệ cho các hộ dân. Đối với các khu vực trên địa bàn xã hiện nay, lượng phân thải ra từ chăn nuôi kết hợp với rác thải sinh hoạt là rất lớn, nếu áp dụng rộng rãi mô hình này tại 5/5 bản thì nông dân có cơ hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Lợi nhuận mang lại từ nuôi giun đạt khoảng 10 triệu đồng/10 m2/năm”.

Có thể thấy, từ mô hình nuôi giun quế sẽ mở thêm một hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Pha Mu, góp phần làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của bà con, hình thành nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...