Thứ tư, 24/04/2024, 11:50 [GMT+7]

Hoạt động đối ngoại - Lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của Kiểm toán nhà nước

Thứ ba, 18/09/2018 - 22:12'
(BLC) - Đảng và Nhà nước luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập để Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhằm góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2020, trong những năm qua, KTNN đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại, từng bước khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có bề dày lịch sử và kinh nghiệm, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín...

Một buổi Hội thảo chung do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam – Lào – Campuchia tổ chức tại Hà Nội. 

Thành viên tích cực của các tổ chức khu vực, quốc tế

Ngay từ khi KTNN ra đời năm 1994, trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm toán vừa xây dựng mô hình tổ chức, phát triển bộ máy vừa triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nhằm tăng cường năng lực cho công chức thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo KTNN đã rất quan tâm đến hoạt động đối ngoại. Coi hoạt động đối ngoại là một lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của KTNN và tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các SAI, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường học hỏi kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán.

Một trong những dấu mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu quá trình hội nhập của KTNN vào cộng đồng kiểm toán thế giới chính là việc KTNN gia nhập Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào năm 1996  khi KTNN chưa tròn 2 năm tuổi. Tiếp đó, năm 1997, KTNN gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). Đặc biệt, KTNN là 1 trong 3 cơ quan đồng sáng lập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEANSAI) vào năm 2011.

Từ khi gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế này, KTNN luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có những đóng góp nhất định vào hoạt động của các ban, nhóm chuyên môn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cả 3 tổ chức. Với INTOSAI, KTNN tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và kiến thức chung hiện có của Tổ chức này; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Nhóm Công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của KTNN trong khuôn khổ hoạt động của INTOSAI, Nhóm công tác tham dự Chương trình IDI (Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI). Còn với ASOSAI, kế thừa những thành quả đã đạt được, nhằm tích lũy kiến thức và tăng cường học hỏi kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp quốc tế, KTNN đã tích cực tham dự nhiều hoạt động và có những đóng góp quan trọng trong các ban, nhóm chuyên môn và tham gia với vai trò là thành viên điều hành, lãnh đạo của Tổ chức. Bên cạnh đó, KTNN đã và đang hoàn thành xuất sắc vai trò dẫn dắt khi nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI trong 2 nhiệm kỳ 2015-2017 và 2017-2019.  KTNN có vai trò quyết định trong việc hoạch định kế hoạch và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Tổ chức này.

Đối ngoại góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của KTNN

Sau 24 năm hình thành và phát triển (1994-2018), có thể khẳng định, KTNN đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh của một cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Cũng sau 24 năm, kết quả hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của KTNN cả về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, năng lực chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp. Thông qua hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc tăng cường học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế nhằm lựa chọn, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của ngành phù hợp với điều kiện và thông lệ Việt Nam, năng lực chuyên môn nói chung, đặc biệt là năng lực kiểm toán của công chức, kiểm toán viên KTNN ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp.

Đóng góp quan trọng đầu tiên của hoạt động đối ngoại là giúp nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập của KTNN. Thông qua việc học tập kinh nghiệm quốc tế về việc hiến định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN vào Hiến pháp, năm 2013, địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời cũng sau 10 năm, Luật KTNN năm 2005 đã được sửa đổi và Luật KTNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Sau khi được ban hành, Luật KTNN năm 2015 đã trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao hiệu quả, tăng cường minh bạch và công khai trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Qua hơn 3 năm tập trung trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI (ISSAIs), tháng 7/2016, KTNN hoàn thành việc xây dựng và đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN với 39 chuẩn mực theo thông lệ quốc tế ISSAIs. Hệ thống chuẩn mực này đã được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam cũng như môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam. Ngoài Hệ thống Chuẩn mực này, với sự hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán, KTNN cũng đã và đang xây dựng hướng dẫn về chuyên môn kiểm toán theo từng lĩnh vực cụ thể như: kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT, kiểm toán hoạt động, kiểm toán báo cáo tài chính dành cho các dự án được tài trợ

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên (KTV), KTNN đã chú trọng đổi mới hình thức hợp tác với các SAI, các tổ chức quốc tế. Trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật/thoả thuận hợp tác song phương, nhằm tối đa hóa lợi ích đồng thời khai thác thế mạnh của các SAI, những năm gần đây, KTNN đẩy mạnh hoạt động mời chuyên gia nước ngoài sang trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp luận kiểm toán đối với các lĩnh vực KTNN quan tâm. Tính đến nay, có hơn 900 lượt công chức KTNN tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy về kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán mới như: kiểm toán điều tra, phát hiện gian lận và tham nhũng, kiểm toán tài nguyên khoáng sản, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, trong số đó có 14 KTV đào tạo dài hạn về kiểm toán hoạt động tại Canada, là lĩnh vực kiểm toán hoàn toàn mới đối với KTNN. Bên cạnh đó, với hơn 300 lượt chuyên gia ngắn và dài hạn sang Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của KTNN.

Cùng với đó, việc phối hợp thực hiện kiểm toán đối với các đối tác nước ngoài cũng góp phần tăng cường vị thế của KTNN đối với các nhà tài trợ và nâng cao kỹ năng kinh nghiệm kiểm toán quốc tế. Các cuộc kiểm toán chung/song song với KTNN Nga và cuộc kiểm toán phối hợp với các SAI trong khu vực đã giúp cho KTV KTNN có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp quốc tế để nâng cao năng lực chuyên môn kiểm toán. Ngoài ra, một số Chương trình/Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN cũng luôn đóng vai trò trực tiếp và thiết thực đối với hoạt động của KTNN. Trong những năm qua, KTNN cũng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đối với các chương trình dự án có nguồn kinh phí từ Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ai-len 

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết tâm của KTNN, một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của KTNN vào cộng đồng kiểm toán quốc tế là sự kiện tháng 2/2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Đại hội lần thứ 13 của ASOSAI phê chuẩn KTNN Việt Nam là thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018, đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Như vậy, KTNN đã xác lập được một vị thế mới, đó là vai trò dẫn dắt tổ chức quốc tế chuyên môn chuyên nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán công. Đây là sự kiện đối ngoại mang tính bước ngoặt của KTNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của KTNN không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi khu vực và trên trường quốc tế. Đồng thời, mang lại những cơ hội lớn hơn trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN.

Thông qua hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam đã không ngừng phát triển, nâng cao vị thế cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, phạm vi, quy mô và năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, trở thành cơ quan có uy tín và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, trong Cộng đồng INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI và các tổ chức quốc tế khác. Có thể khẳng định một lần nữa, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận để KTNN học tập kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút mọi nguồn lực nhằm tăng cường năng lực cho KTNN, giúp KTNN vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nước vừa chủ động hội nhập quốc tế; không chỉ góp phần tích cực vào quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta mà còn kịp thời nắm bắt thời cơ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm KTNN Việt Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...