Thứ bảy, 20/04/2024, 14:42 [GMT+7]

Khó khăn công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch

Thứ ba, 23/06/2020 - 18:29'
(BLC) - Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tuy nhiên, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển. Việc chế biến chỉ thực hiện trên sản phẩm chè búp tươi, lúa gạo theo chế biến thô, quy mô nhỏ và việc bảo quản sau thu hoạch chỉ phơi sấy thủ công, bảo quản tại gia đình nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn, chất lượng sản phẩm giảm.

Lai Châu có diện tích đất tự nhiên 906.878,7ha, trong đó đất nông nghiệp 631.215ha; đất phi nông nghiệp 33.418,7ha; đất chưa sử dụng 242.245,1ha. Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 29.625ha, sản lượng đạt 144.880 tấn, trong đó vùng lúa hàng hóa 2.565ha tại 3 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường. Diện tích chè có 6.995ha, sản lượng 30.860 tấn/năm; đã hình thành các vùng chè tập trung chất lượng cao gắn với xây dựng các nhà máy chế biến, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích cây cao su là 12.995,77ha (12.522,6ha đại điền, 473,17ha tiểu điền) với 5.057ha đang khai thác, năng suất 0,963 tấn mủ khô/ha/năm.

Ngoài ra, tỉnh có 3.370ha mắc-ca, 5.500ha quế, 6.061ha cây ăn quả các loại và khoảng 16.600ha có thể nuôi trồng thủy sản. Đến nay, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung và một số mặt hàng nông sản đang được thị trường trong và ngoài tỉnh ưu chuộng như: gạo, ổi, cá lồng, miến dong, mắc-ca, chè… bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần vào xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao nên tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác còn thấp... Công nghiệp chế biến đặc biệt là đầu tư công nghệ chế biến sâu còn hạn chế, nhiều sản phẩm chỉ dừng lại ở việc chế biến thủ công, thô sơ; công nghiệp chế biến chưa phát triển.

Ông Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Công tác sơ chế, chế biến sản phẩm hàng hóa còn rất hạn chế. Hiện nay, mới có sản phẩm chè búp tươi và một phần lúa chất lượng được đưa vào sơ chế, chế biến để tiêu thụ, trong số đó chỉ có một lượng rất ít chè búp tươi được chế biến sâu thành các sản phẩm trà ô long, matcha, sentra... nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người sản xuất. Số còn lại chủ yếu qua sơ chế nên giá trị hàng hóa chưa cao. Đặc biệt, các mặt hàng quả tươi (đào, lê, mận, xoài, mít, nhãn...) chưa được sơ chế, chế biến nên rất khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm ra ngoại tỉnh. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến đã được quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư còn chậm dẫn đến việc chế biến mủ cao su mới chỉ dừng ở công đoạn chế biến thô (làm đông tại chỗ) để vận chuyển đi tiêu thụ; hạt mắc-ca chỉ thực hiện chế biến thủ công nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu sử dụng tại chỗ”.

Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường chế biến chè Ô long.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường chế biến chè Ôlong.

Cũng theo ông Huy, mặc dù đã hình thành các cánh đồng sản xuất tập trung, song việc sản xuất vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa sản xuất theo quy mô lớn. Khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm, chủ yếu là chế biến thô qua các cơ sở xay sát nhỏ lẻ. Tỷ lệ sản phẩm chè được đưa vào chế biến sâu chiếm khoảng 1% tổng sản lượng chè búp khô. Đối với cây ăn quả chưa có doanh nghiệp, HTX đầu tư liên doanh liên kết trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 100% sản phẩm không được đưa vào sơ chế, chỉ là sản phẩm ăn tươi, tiêu thụ trong tỉnh nên giá trị thấp nên không thành sản phẩm hàng hóa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tỉnh có mới có 15 cơ sở chế biến các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn và đang đầu tư xây dựng 1 cơ sở. Trong đó, về lúa có 1 cơ sở chế biến tại huyện Than Uyên, áp dụng công nghệ liên hoàn từ sấy đến xay xát, đóng gói, công suất chế biến 1 tấn/giờ, đáp ứng 100% sản lượng lúa chế biến tại vùng liên kết 30ha (khoảng 300 tấn/năm) và phục vụ ngoài vùng liên kết khoảng 100 tấn/vụ. Còn lại là các hộ, cá nhân tổ chức xay sát quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu của Nhân dân tại chỗ. Về chè có 14 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa; chỉ có Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường là trà Ôlong, matcha, sen cha…, còn các cơ sở, doanh nghiệp khác chủ yếu chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh tổ chức đóng gói, chế biến sâu.

Ngoài ra, còn có 38 cơ sở mini sơ chế chè búp tươi thành sản phẩm chè khô sao lăn. Do việc chế biến sâu đưa sản phẩm cuối cùng đưa ra tiêu thụ còn hạn chế nên giá trị hàng hóa của chè Lai Châu còn thấp, thu nhập của người trồng chè chưa cao, đóng góp cho ngân sách tỉnh rất ít so với quy mô vùng chè; thương hiệu chè Lai Châu chưa được khẳng định trên thị trường.

Hiện nay, các sản phẩm mủ cao su chủ yếu xuất bán thô, chưa được đầu tư chế biến trong thời gian qua; Công ty Cổ phần Cao su hiện mới đang đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ nên việc bán mủ cao su của các công ty cao su tại Lai Châu vẫn chủ yếu phụ thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, chưa tổ chức được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; giá cả mủ cao su thấp, hiệu quả chưa cao. Trên các đối tượng cây trồng khác chưa có cơ sở chế biến, chủ yếu là chế biến thủ công hoặc tiêu thụ thô.

Đối với công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu bảo quản theo hình thức thủ công như: phơi, sấy, bao gói thủ công và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Công nghiệp chế biến sau thu hoạch còn chưa phát triển. Mới có Hợp tác xã Thanh Xuân (huyện Than Uyên) đang đầu tư xây dựng 1 hệ thống máy sấy hiện đại theo quy mô công nghiệp với công suất 1 tấn/giờ.

Để giải quyết khó khăn trên, theo ông Huy, tỉnh tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến tại tỉnh. Có thêm những cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết cùng người dân đầu tư dây truyền hiện đại để chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Huy động các nguồn vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa...

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...