Thứ bảy, 20/04/2024, 07:13 [GMT+7]

Khó trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Thứ hai, 19/04/2021 - 15:03'
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung là chủ trương của huyện Sìn Hồ những năm qua. Nhưng điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu... là rào cản trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung ở huyện.

Là huyện vùng cao, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Sìn Hồ. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đề ra nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vùng để vươn lên. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tận dụng các chương trình, dự án để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên; phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng chăn nuôi. Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình tập trung, các nông trường chuyên canh cần nhiều yếu tố phù hợp. Với huyện miền núi Sìn Hồ, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, chỉ một số xã vùng thấp (Noong Hẻo, Ma Quai, Nậm Tăm…) có thể phát triển các mô hình lớn theo quy mô tập trung, trong khi đa phần các xã còn lại diện tích đất canh tác ít, khó để triển khai.
Việc hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm được huyện triển khai nhưng còn thiếu đồng bộ, không phát huy được hết thế mạnh vùng. Khuyết thiếu nhiều khâu trong chuỗi chu trình sản xuất đã cản trở việc liên kết sản phẩm từ người dân đến doanh nghiệp. Điều thường thấy là trong giai đoạn cuối mỗi chu trình sản xuất, đầu ra sản phẩm chưa được bao tiêu, kiểm soát đánh giá. Dẫn đến người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm, khiến giá trị của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới tâm lý sản xuất cũng như thu nhập của người dân.

Người dân xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) trồng quế tại những vạt nương nhỏ, không tập trung, độ dốc cao.

Người dân xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) trồng quế tại những vạt nương nhỏ, không tập trung, độ dốc cao.

Chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng tập trung thành vùng, đảm bảo phát triển lâu dài dễ chăm sóc, không thực hiện được vì đa số các hộ đều chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, mạnh ai thì làm. Số lượng hộ chăn nuôi và đàn gia súc toàn huyện có tăng, nhưng không tập trung phát triển theo vùng. Dẫn đến việc phòng, chống dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tái đàn… còn nhiều bất cập. Các xã phát triển không đồng đều cũng là yếu tố bất lợi trong liên kết phát triển kinh tế vùng giữa các địa phương trong huyện.
Ngành Thủy sản của huyện được cấp ủy, chính quyền chú ý phát triển những năm gần đây thông qua nhiều dự án như: nuôi cá lồng, đánh bắt... trên vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên chỉ một số ít các xã của huyện có đường thủy, mức nước lên xuống tại các xã này diễn ra thất thường, có độ chênh lệch lớn, dẫn đến việc nuôi thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này gây khó khăn cho người dân mở rộng mô hình, phát triển sinh kế lâu dài.
Ông Nguyễn Đức Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn thúc đẩy phát triển nông nghiệp tập trung theo vùng, nâng cao chất lượng trong từng khâu, nhưng thực tế mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Huyện chủ động thực hiện thí điểm các mô hình phát triển nông nghiệp, sản xuất theo vùng chuyên canh. Một số mô hình thu được kết quả bước đầu.
Ngành Nông nghiệp Sìn Hồ tới thời điểm này có nhiều khởi sắc. Nhưng so với các huyện khác trong tỉnh, có yếu tố tự nhiên tương đồng thì Sìn Hồ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhận thức rõ về những khó khăn đang gặp phải, chính quyền huyện có nhiều chủ trương để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phát triển, từ việc cung ứng cây, con giống phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kênh mương tưới tiêu…; xác định mục tiêu kế hoạch, tầm nhìn dài hạn cho ngành Nông nghiệp huyện qua nhiều giai đoạn.
Từ những chủ trương đúng, trúng, kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện mà sản xuất nông nghiệp đạt hơn 896 tỷ đồng, tăng 13,34% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, phát triển theo hướng tập trung thành vùng chỉ thực hiện được ở một số xã có thế mạnh cùng nền tảng kinh tế tương đối. Chính quyền huyện đã hỗ trợ liên kết đầu ra cho các sản phẩm như: chè, cam, xoài...
Anh Lý A Pu, người dân xã Ma Quai chia sẻ: Gia đình tôi tham gia phát triển nông nghiệp theo mô hình tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa của huyện. Trang trại của gia đình trồng tập trung hơn 3ha cam, sau hơn 3 năm đến nay đã cho thu hoạch. Chất lượng sản phẩm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, mỗi năm cho thu trên 50 triệu đồng”.
Các mô hình trồng cam, xoài, chè, tập trung tại một số xã trong huyện như: Nậm Tăm, Ma Quai, Hồng Thu, đã dần hình thành ý thức sản xuất, kinh doanh tập trung, liên kết về chuỗi cung ứng. Với những vướng mắc, bất cập tại các xã, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn đã tìm hiểu rút kinh nghiệm để thay đổi phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
Bức tranh về nông nghiệp Sìn Hồ còn nhiều điểm sáng - tối. Nhưng tinh thần “dám nghĩ dám làm”, vượt qua thử thách, khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương giàu mạnh là nỗ lực đáng trân trọng của Nhân dân nơi đây.
 

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...