Thứ năm, 25/04/2024, 08:21 [GMT+7]

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Thứ sáu, 14/08/2020 - 22:45'
(BLC) - Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn thân thiện với môi trường để khởi nghiệp.

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình; những năm gần đây nhiều ĐVTN ở huyện Than Uyên lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, uy tín. Tiêu biểu như mô hình ổi sạch của HTX Thanh niên Hua Nà (huyện Than Uyên) do anh Nùng Văn Nên làm Giám đốc. Ổi Hua Nà đã tạo được thương hiệu với người tiêu dùng trên địa bàn huyện và thành phố Lai Châu. Ổi không những ngon, ngọt, giòn mà quan trọng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nùng Văn Nên - Giám đốc HTX Thanh niên Hua Nà cho biết: “Với tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu nên hàng ngày tôi trực tiếp chăm sóc và theo dõi kỹ thuật cho vườn ổi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ, không chất kích thích. Trên diện tích 6ha, tôi tập trung phát triển các loại cây ăn quả như: ổi, thanh long, xoài, bưởi da xanh. Ngoài ra, sản phẩm ổi của HTX Thanh niên Hua Nà đã có mã QR truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể dùng phần mềm để kiểm tra nguốn gốc, chất lượng của sản phẩm. Nhờ vậy, ổi ngon, được mọi người tin dùng đặt số lượng lớn để làm quà biếu".

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Hua Nà thăm mô hình ổi của HTX Thanh niên Hua Nà

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Hua Nà thăm mô hình ổi của HTX Thanh niên Hua Nà.

Với mong muốn đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng cao, anh Tô Hữu Toàn (Văn phòng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) khởi nghiệp với việc thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch T&D Lai Châu. Từ nguồn vốn đầu tư 3 tỷ đồng, tháng 8/2017 anh bắt tay xây dựng mô hình V.A.C trên diện tích trên 2,2ha ở bản Màng (phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu). Nhận thấy điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh phù hợp để trồng cây bưởi da xanh, ổi không hạt, vì vậy, anh tập trung cải tạo đất, lựa chọn cây giống chất lượng để trồng. Đến nay, anh trồng được 600 cây bưởi da xanh, 900 cây ổi không hạt, 70 cây xoài thái, 50 cây bơ sáp, 50 cây mận và 20 cây mít không hạt. Dẫn chúng tôi tham quan vườn ổi, bưởi đang chuẩn bị bước vao thu hoạch anh Toàn tâm sự: “Hiện nay tâm lý của khách hàng đều ưa chuộng sản phẩm sạch, do đó sau khi tìm hiểu qua sách vở, tham quan các mô hình kinh tế thấy mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, tôi đã lựa chọn sử dụng các chế phẩm vi sinh trong canh tác, vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Với mục đích cho ra sản phẩm trái cây sạch đảm bảo 100% không dùng phân hóa học và thuốc trừ cỏ, chất bảo quản, chỉ dùng phân hưu cơ (phân được ủ từ cây ngắn ngày, phân chuồng và nấm Trichoderma và hạt đỗ tương) để đưa trái cây sạch vào thị trường trong tỉnh, tương lai sẽ xuất sang các tỉnh lân cận và ra nước ngoài. Đến nay, các sản phẩm cây ăn quả của gia đình đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, gia đình đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm được công nhận đảm bảo đạt chất lượng OCOP”.

Nhờ bỏ nhiều công sức trong quá trình chăm sóc, đến này vườn cây ăn quả của gia đình phát triển tốt, được nhiều khách hàng đánh giá cao, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Riêng năm nay, gia đình anh thu được từ 15 - 20 tấn ổi và 3.000 quả bưởi da xanh. Đồng thời, trồng xen canh cây lạc, đỗ tương, ngô; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình bán chăn thả với 100 con gà, 15 con lợn đen và 200 con cá trắm đen. Trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường của thanh niên. Ngoài ra, còn có mô hình Hợp tác xã Thanh niên Mường Cang và Hua Nà (huyện Than Uyên) - hai đơn vị đầu mối quảng bá, giới thiệu và cung ứng sản vật của địa phương, đặc biệt là gạo séng cù; mô hình trồng rau thủy canh, mô hình nuôi lợn sạch của các đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Lai Châu; mô hình nuôi bò, trồng chuối của anh Lý A Cạo ở xã Nậm Cha (huyện Sìn Hồ)…

Được biết, hiện nay toàn tỉnh hiện có trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế trị giá từ 100 triệu đồng trở lên với các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và mô hình kinh doanh, dịch vụ. Các mô hình chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ với tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 50 - 200 triệu đồng/năm. Đã có 30 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên được thành lập và bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả, tổng doanh thu, thu nhập bình quân thành viên đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng… Các mô hình kinh tế của thanh niên đã giải quyết, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động; tham gia tích cực vào hoạt động phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...