Thứ ba, 23/04/2024, 21:41 [GMT+7]

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế

Thứ sáu, 21/07/2017 - 16:59'
Trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã có những chuyển biến quan trọng và ngày càng phát triển. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thống nhất ban hành Nghị quyết “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá: Trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp không ngừng được nâng cao. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng còn những hạn chế, yếu kém, như: chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong những năm gần đây; tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh; sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại diễn ra nghiêm trọng... 

Công ty TNHH phát triển công nghiệp và thương mại Thủy Nam (thành phố Lai Châu) chuyên sản xuất và cung cấp tôn lạnh.

Để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu khách quan trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, nhấn mạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng định hướng và được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. 

Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới, Nghị quyết xác định: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55% và đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Xuyên suốt các nhiệm vụ và giải pháp là tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân; chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, trước hết cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không biến các chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức; không biến chấp thuận, xác nhận, chứng nhận đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật thành giấy phép con, gây cản trở hoạt động của kinh tế tư nhân. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện và công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính sách... để người dân và doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, sử dụng. Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân. Trọng tâm là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII thống nhất ban hành Nghị quyết “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là sự cụ thể hóa những quan điểm, định hướng trên. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cấp ủy các cấp chỉ đạo cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả việc tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về phát triển kinh tế tư nhân. Phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ, công chức trong nhận thức và hành động, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đặng Thanh Sơn (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...