Thứ sáu, 19/04/2024, 15:57 [GMT+7]

Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với ngành Ngân hàng Lai Châu

Thứ ba, 20/07/2021 - 21:08'
(BLC) - Chiều nay (20/7), các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh báo cáo kết quả hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; định hướng giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 tổ chức tín dụng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại (Agribank, BIDV, Vietinbank, LienVietPosbank); Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Lai Châu; Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) Nguyễn Huệ; QTDND Lai Châu với 39 điểm giao dịch cố định; 27 máy ATM lắp đặt tại 8/8 huyện, thành phố, 62 máy POS tại 41 điểm chấp nhận thẻ. Hoạt động của các ATM, POS trên địa bàn luôn ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh với ngành Ngân hàng Lai Châu.

Quang cảnh buổi làm việc.

6 tháng đầu năm, các chi nhánh ngân hàng, QTDND thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn vốn tại địa phương, nhất là nguồn gửi tiết kiệm từ dân cư. Tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 16.469 tỷ đồng, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ hoạt động đầu tư tín dụng đạt 15.752 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tập trung đầu tư tín dụng theo ngành, lĩnh vực ưu tiên như: cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay các dự án thủy điện, cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách xã hội, cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã… với trên 25 nghìn lượt khách hàng và 22 dự án thủy điện.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các chi nhánh ngân hàng, QTDND đã xử lý được 131 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ nội bảng 102 tỷ đồng, xử lý nợ ngoại bảng 29 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, nợ xấu nội bảng các chi nhánh ngân hàng, QTDND là 367 tỷ đồng, chiếm 2,33% so với tổng dư nợ. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 tại các tổ chức tín dụng là 1.087 tỷ đồng, tuy đã giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn đang ở mức cao so với tổng dư nợ.

Đối với công tác: tiền tệ - kho quỹ; thanh toán; thanh tra, giám sát; quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng luôn được các chi nhánh ngân hàng, QTDND chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hệ thống kho, quỹ ngân hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối; công tác thanh toán được xử lý hết chứng từ trong ngày, không để trậm trễ, ách tắc…

Công tác an sinh – xã hội được ngành Ngân hàng Lai Châu tích cực tham gia thông qua các đợt phát động ủng hộ, từ thiện; hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn tỉnh trong dịp tết Nguyên đán; đầu tư xây dựng trường, lớp học. 6 tháng đầu năm, ngành Ngân hàng trong tỉnh ủng hộ trên 2 nghìn suất quà với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng; ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên 3 tỷ đồng; BIDV tài trợ dự án xây dựng Trường THCS Đông Phong (thành phố Lai Châu) gần 7 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm 2021, ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn. Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích kinh tế địa phương. Huy động tối đa mọi nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn huy động tại địa phương. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng…

Định hướng giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục phát triển loại hình và mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng; ưu tiên cho vay vốn đối với những dự án sản xuất, kinh doanh, an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn kho quỹ. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt… Phấn đấu mục tiêu: huy động vốn tại địa phương khối ngân hàng thương mại với mức tăng trưởng hàng năm từ 6% trở lên, khối QTDND tăng trưởng khoảng 20%; tăng trưởng dư nợ tín dụng 9% đối với khối các ngân hàng thương mại, 20% với khối QTDND; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%/dư nợ; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên 85%.

Tại buổi làm việc, đại diện các chi nhánh ngân hàng, QTDND nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động như: doanh nghiệp, hợp tác xã có nợ xấu không có nguồn thu nhập để trả nợ; công tác phối hợp với Ban Quản lý dự án trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; giải ngân cho khách hàng trong mùa dịch Covid-19… Đồng thời, các đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất, tập trung vào các vấn đề: hỗ trợ các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ của khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xem xét, lựa chọn Agribank Chi nhánh tỉnh làm ngân hàng phục vụ Dự án “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai tại Lai Châu”; UBND tỉnh chỉ đạo các Ban Quản lý dự án trên địa bàn phối hợp xác nhận khối lượng công trình hoàn thành, ký cam kết thanh toán ba bên cho các nhà thầu thi công để ngân hàng có căn cứ cấp tín dụng... Từ đó, mong lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để các chi nhánh ngân hàng, QTDND triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của ngành.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Vai trò của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, Lai Châu nói riêng rất quan trọng. Đồng thời bày tỏ mong muốn: lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên trao đổi công việc, tham mưu giúp UBND tỉnh đưa ra các quyết định, chính sách liên quan đến thực hiện tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng; bằng mọi giải pháp để tăng trưởng tín dụng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống ngân hàng ở mức cao nhất.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Ngân hàng bám sát vào các nghị quyết của tỉnh, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế; khai thác tiềm năng phát triển thủy điện; tăng số lượng ATM trên địa bàn tỉnh; mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; tập trung giải quyết nợ xấu; quan tâm tới công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...