Thứ năm, 25/04/2024, 12:30 [GMT+7]

Lợi ích nhiều, rủi ro ít

Thứ hai, 03/07/2017 - 20:41'
(BLC) - Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 777/KH-UBND ngày 28/4/2017 của UBND tỉnh về triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh tiến hành tổ chức thực hiện tại các đơn vị trực thuộc. Phóng viên Báo Laichau Online phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh về vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết những tiện ích cơ bản khi TTKDTM đối với chủ tài khoản cũng như ngành Ngân hàng trong công tác điều phối, lưu thông tiền tệ?

Đồng chí (Đ/C) Nguyễn Văn Luận: Hình thức TTKDTM gắn liền với sự ra đời của đồng tiền và sự phát triển của nó cũng gắn với sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Đó là một hình thức vận động mà tiền vừa là công cụ để thanh toán, vừa là công cụ để chuyển hóa hình thức giá trị của hàng hóa và dịch vụ. TTKDTM đã mang lại những lợi ích không thể phủ nhận.

Đối với ngân hàng, TTKDTM là hình thức thanh toán tiến bộ nhất, là sự bù trừ giữa các ngân hàng; giữa các tài khoản của khách hàng mở tại các ngân hàng. Qua đó, giúp việc thanh toán của chủ tài khoản trong giao dịch luân chuyển hàng hóa và các dịch vụ thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, an toàn. Đồng thời, dễ kiểm tra, giám sát.

TTKDTM đóng vai trò quan trọng trong việc huy động tích tụ các nguồn vốn thanh toán tạm thời nhàn rỗi trong xã hội và của mọi người dân vào ngân hàng. Tạo nguồn vốn tín dụng trong ngân hàng để thực hiện đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng nhanh vòng quay vốn. Tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những chi phí của xã hội có liên quan đến việc in ấn, bảo quản và phát hành, đưa tiền mặt ra lưu thông. Sau đó là tiết kiệm được những chi phí cho việc kiểm điểm, đóng gói, bao bì, vận chuyển, bảo quản và chi phí cho việc tiêu hủy tiền cũ, rách nát không đủ tiêu chuẩn lưu thông mà vấn đề bức xúc nhất hiện nay đó là việc chuyên chở và bảo quản tiền mặt. Như vậy, TTKDTM lợi ích nhiều, rủi ro ít.

Đối với chủ tài khoản, TTKDTM là phương thức thanh toán đơn giản, an toàn, tiết kiệm, thuận lợi cho sự trao đổi. Tài khoản thanh toán giao dịch từ ngân hàng, chủ tài khoản có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc rút tiền mặt tại quầy giao dịch trụ sở ngân hàng trong cùng hệ thống trên toàn quốc. Thực hiện thanh toán, rút tiền mặt tại các máy giao dịch tự động (ATM, POS) ở bất cứ thời điểm nào 24/24 giờ. Chủ tài khoản thanh toán mà không phải mang theo tiền mặt, không sợ mất cắp hay rơi vì thẻ không có giá trị với người không phải là chủ sở hữu.

P.V: Với những tiện ích như vậy, tình hình TTKDTM hiện nay trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào? Để đáp ứng nhiệm vụ này, ngành Ngân hàng đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị ra sao nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân?

Đ/C Nguyễn Văn Luận: Hoạt động thanh toán trên địa bàn tỉnh luôn đáp ứng tốt các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế  - xã hội địa phương. Dịch vụ thanh toán đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển hiện nay. Các hình thức thanh toán hiện đại áp dụng công nghệ khoa học đang triển khai thực hiện hiệu quả như: thanh toán bù trừ điện tử, điện tử liên ngân hàng, điện tử song phương của các ngân hàng thương mại, thanh toán qua SWIFT, biên mậu, phát hành L/C và một số hình thức thanh toán khác như: ATM, thanh toán trực tuyến qua internet, điện thoại di động (Bank Plus)…

Việc phát triển dịch vụ thanh toán thẻ đã đáp ứng cơ bản cho nhu cầu của người sử dụng thẻ, đặc biệt là các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn. Đến nay, tỷ trọng TTKDTM đạt 76,5%/tổng số giao dịch phát sinh thanh toán qua ngân hàng. Số đơn vị hưởng lương NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản tính đến 31/12/2016 đạt 76,62% số đơn vị hưởng lương ngân sách trong toàn tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã trang bị được 23 máy ATM, 50 máy POS/EDC tại 8 huyện, thành phố với 29 điểm giao dịch chấp nhận thẻ thanh toán giúp chuyển khoản thanh toán các hàng hóa, dịch vụ tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Trong 3 tháng đầu năm 2017, giá trị TTKDTM qua ATM, POS chiếm 53,6% (6,483 tỷ đồng)/tổng giá trị giao dịch qua máy ATM, POS.

P.V: Lai Châu là tỉnh miền núi, vậy ngành Ngân hàng gặp những khó khăn gì và những giải pháp đặt ra để thực hiện tốt việc TTKDTM trong thời gian tới?
Đ/C Nguyễn Văn Luận: Việc đầu tư mua sắm máy ATM rất tốn kém, các chi nhánh ngân hàng thương mại đều phụ thuộc vào kinh phí từ Hội sở chính, số lượng máy ATM được lắp đặt trên địa bàn tỉnh còn ít, nhất là ở trung tâm cấp huyện, có huyện mới có 1 máy ATM. Khó khăn thứ 2 là trình độ dân trí không đồng đều, việc tiếp cận với công nghệ mới hiện đại còn chưa thông thạo nên thói quen, nhận thức sử dụng tiền mặt còn nhiều. Việc phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các huyện, thành phố với ngành Ngân hàng về vấn đề TTKDTM có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Để đẩy mạnh công tác TTKDTM trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh đề ra một số giải pháp chủ yếu: Bám sát, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, kế hoạch của NHNN Việt Nam, của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện TTKDTM. Chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để phát triển, mở rộng hình thức thanh toán trong khu vực dịch vụ hành chính công như: thu, nộp NSNN; mở các điểm chấp nhận thẻ thanh toán viện phí, học phí; tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ NSNN.

Song song với đó, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức ngân hàng thương mại trên địa bàn phát triển mạng lưới ATM, POS; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và phát triển hình thức TTKDTM trên cơ sở các tiện ích như: các hình thức giao dịch qua internet, mobile, kết nối mạng… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thanh toán, đảm bảo hệ thống thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiện ích của các dịch vụ TTKDTM để cán bộ, Nhân dân trong tỉnh hiểu, tin tưởng và sử dụng sản phẩm dịch vụ.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Trang (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...