Thứ tư, 24/04/2024, 03:31 [GMT+7]

Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo

Thứ sáu, 04/09/2020 - 13:55'
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, từ đầu năm nay, nhiều hộ dân ở các xã: Phúc Than, Mường Cang, Mường Kim… (huyện Than Uyên) chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Thực tế cho thấy, mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi nhuận cho người dân chỉ trong thời gian ngắn.

Thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Lường Văn Pạnh (bản Cang Mường, xã Mường Cang), anh Pạnh cùng anh trai chung vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò về nuôi được 4 tháng nay. Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò của gia đình, anh Pạnh phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi vừa xuất được 20 con bò cho mấy hộ ở huyện Sìn Hồ, hiện tại trong chuồng chỉ còn hơn 10 con. Từ khi chuyển sang nuôi bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao mà lại nhàn nữa. Một ngày, chúng tôi chỉ mất 4 tiếng cho bò ăn và làm vệ sinh chuồng trại, còn lại thời gian dành cho việc khác. Thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ voi; cám ngô, cám gạo nấu lên. Ngoài bò của gia đình nuôi trên lán chuyển về, chúng tôi thường đi đến các hộ nuôi bò nhỏ lẻ trong và ngoài huyện để mua về vỗ béo từ 1 - 2 tháng hoặc khoảng 20 ngày là được xuất bán. Mới có 4 tháng, hai gia đình chúng tôi đã xuất được mấy lứa bò, thu lãi hơn 100 triệu đồng”.
Nhìn đàn bò của gia đình anh Pạnh thật thích mắt, con nào cũng béo với chiếc bụng căng tròn. Được biết, sắp tới, gia đình anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại tăng số lượng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, tăng thu nhập mỗi tháng.

Các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên chăm sóc đàn trâu, bò theo hình thức nuôi vỗ béo.

Chia tay anh Pạnh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch và dịch vụ nông nghiệp Than Uyên ở bản Đông (xã Mường Than) được hình thành khoảng 2 tháng nay. Mô hình hiện có 16 con trâu, bò.
Anh Lò Văn Vượng (thành viên HTX) cho biết: Nhận thấy nhu cầu thị trường cần nguồn trâu, bò làm thịt thương phẩm; mặt khác nuôi trâu, bò rủi ro thấp hơn so với nuôi lợn và gia cầm, giá thành bán lại cao, vì vậy các thành viên trong HTX bàn nhau, góp vốn xây dựng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Tận dụng diện tích của gia đình thành viên đầu tư làm chuồng trại với diện tích hơn 100m2; trồng cỏ VA06 làm thức ăn xanh, mua thêm ngô về làm thức ăn tinh. Vừa rồi, HTX xuất bán 1 con trâu giống lãi được 3 triệu đồng chỉ sau 20 ngày vỗ béo.
Toàn huyện Than Uyên hiện có 20 cơ sở chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo và trâu, bò sinh sản tập trung với quy mô trên 10 con/cơ sở, tập trung ở các xã: Mường Kim, Mường Cang, Phúc Than, Mường Than... Huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tăng cường phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản tới nông dân; mở các lớp tập huấn chuyển giao các kỹ thuật cho người dân như: làm chuồng trại, chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên đàn trâu, bò; tư vấn, hướng dẫn các hộ trồng cỏ, tích trữ các nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng hiệu quả chăn nuôi; khuyến khích các hộ phát huy nội lực tự chủ động nguồn vốn đầu tư triển khai mô hình. Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn từ chương trình chính sách của Trung ương, tỉnh, quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ các hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay: Vừa qua, Hội phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo và trâu, bò sinh sản cho các hộ dân; tiến hành giải ngân dự án quỹ hỗ trợ nông dân cho hơn 60 hộ dân với tổng số vốn vay hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh lợi ích chính là mang lại thu nhập cao trong thời gian ngắn, giúp các hộ quay vòng vốn nhanh thì mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo còn giải quyết được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chăn nuôi hiện nay trên địa bàn huyện, trong đó: giảm tình trạng thả rông gia súc, tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư… Nhờ đó, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu, bò của huyện; góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tăng gần 1.400 con trâu, bò, nâng tổng số đàn trâu, bò của huyện lên hơn 20 nghìn con.
Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại, thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân nhân rộng mô hình này; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ dân về vốn, kỹ thuật chăn nuôi tập trung… Qua đó, từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...