Thứ năm, 18/04/2024, 11:10 [GMT+7]

Mường Tè sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Thứ hai, 14/09/2020 - 17:06'
Với những giải pháp và định hướng đúng đã thúc đẩy nông nghiệp của huyện Mường Tè từng bước đi lên. Từ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, tự cung, tự cấp thì nay các sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà còn trở thành hàng hóa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.

Có dịp đến thăm mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... ở các xã của huyện Mường Tè, chúng tôi thấy sản xuất nông nghiệp ngày càng cải tiến và có quy mô. Nếu như trước đây, nhiều vùng đất còn hoang hóa không cải tạo, công cụ lao động thô sơ thì nay bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Thành quả đó là sự đầu tư, định hướng đúng đắn của huyện Mường Tè và nỗ lực của đồng bào các dân tộc. Ông Lù Văn Vơi, bản Nà Hừ 1 (xã Bum Nưa) tâm sự: Trước đây, cuộc sống bà con dân bản gặp nhiều khó khăn, không có kiến thức, năng suất lao động thấp nên nghèo đói cứ kéo dài. Từ khi được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, dân bản biết khai hoang, đưa cây trồng, con giống có chất lượng, máy móc vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Mỗi vụ thu hoạch, sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mà còn dư thừa trở thành hàng hóa bán ngoài thị trường. Tôi đầu tư làm trang trại nuôi lợn, gia cầm, trồng cây ăn quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vụ nào cũng đem lại lợi nhuận cao cho gia đình.
Để các sản phẩm trở thành hàng hóa, huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền người dân chuyển đổi hình thức sản xuất, tái cơ cấu ngành bằng cách mở rộng diện tích đất canh tác, đưa máy móc vào thay thế công cụ lao động thô sơ, tích cực tham gia các lớp dạy nghề để có kiến thức, biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật. Các cán bộ khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu xem phù hợp với loại cây trồng nào rồi mới triển khai. Nhiều cán bộ, đảng viên tiên phong làm mô hình kinh tế có hiệu quả để dân tin, từ đó nhân rộng thực hiện trên địa bàn.

Người dân xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) chăm sóc cây ăn quả.

Trên những thửa ruộng, nương rẫy nhiều giống lúa, ngô có chất lượng được trồng như: PC6, thiên ưu 8, hương thơm số 1, MX10... chuyển đổi từ 1 vụ sang 2 vụ, tích cực phòng chống sâu bệnh đem lại năng suất từ 30-43 tạ/ha ngô, thóc, có nơi như: Ka Lăng, Thu Lũm còn đạt trên 50 tạ/ha lúa. Giữa 2 mùa vụ, bà con trồng thêm rau màu các loại. Người dân còn tham gia trồng cây ăn quả, cây dược liệu với 8.522,3ha, đem lại giá trị kinh tế. Các sản phẩm từ cây trồng không chỉ giúp bà con no ấm mà còn là những mặt hàng có giá trị trên thị trường và trở thành thương hiệu như: khoai Nậm Khao, Kan Hồ, ớt trung đoàn Ka Lăng, tinh dầu sả Thu Lũm, tam thất Pa Vệ Sủ, Pa Ủ... Ngoài ra, bà con dân bản còn sản xuất các sản phẩm làm từ thổ cẩm, rèn đúc để tăng thêm thu nhập, thêm mặt hàng, sản phẩm bán ra thị trường.
Nhân dân trong huyện quan tâm đến chăn nuôi, đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại, quy hoạch các bãi chăn thả, hình thành các vùng chăn nuôi đại gia súc từ 100 - 300 con, chuyển từ chăn thả rông sang tập trung theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ đầu tư hoặc liên kết với nhau làm trang trại nuôi lợn, gia cầm với quy mô hàng nghìn con. Công tác phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn, việc tăng đàn luôn được quan tâm. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nuôi cá lồng, tạo điều kiện cho người dân được chung sức, góp vốn. Hiện nay đã hình thành 102 lồng nuôi các loại cá: lăng, chiên, chép với thể tích nuôi trên 14.600m3, hơn 52ha ao nuôi cá, mỗi năm thu hoạch đạt sản lượng gần 200 tấn, cung cấp nguồn thủy sản cho thị trường trong và ngoài huyện.
Anh Hù Chà Hùng (bản Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ) chia sẻ: Nhờ có định hướng của cán bộ xã, huyện, tôi đầu tư làm trang trại nuôi gia cầm. Tôi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh, sử dụng đèn sưởi, quạt điện khi thời tiết thay đổi. Vì vậy, đàn gia cầm phát triển tốt, cứ 3 tháng, tôi cho xuất từ 5.000-6.000 con, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, tôi còn 15.000 con gia cầm.
UBND huyện yêu cầu Phòng NN&PTNT phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng lựa chọn một số sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh ra thị trường.
Ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, Phòng tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động người dân; khảo sát, quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vật nuôi để mở rộng quy mô nâng cao giá trị hàng hóa; tìm hiểu thị trường; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất.
Không còn tự cung, tự cấp, các sản phẩm nông nghiệp đã đem lại nhiều lợi nhuận cho người dân. Tin rằng với những giải pháp đúng đắn, huyện Mường Tè sẽ có nhiều hàng hóa nông nghiệp đến với thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...