Thứ sáu, 29/03/2024, 17:48 [GMT+7]

Mở rộng diện tích rau vụ thu, đông

Thứ năm, 16/11/2017 - 15:23'
Những ngày này, nông dân các vùng thuận lợi trong tỉnh đẩy mạnh chăm sóc, mở rộng diện tích trồng rau vụ thu, đông.

Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, chị Hà Thị Ánh ở bản Đồng Tâm (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) làm đất, trồng rau vụ đông. Do trồng rau trên đất ruộng nên vợ chồng chị làm hàng rào bằng cột bêtông, cuốn dây thép phòng chống gia súc phá hoại. Đất được làm tơi xốp, lên luống, bón lót phân hữu cơ trước khi trồng rau. Cạnh ruộng là hệ thống mương dẫn nước, thuận tiện cho việc điều tiết nguồn nước. Các loại rau chị Ánh lựa chọn gồm: su hào, bắp cải, cải xanh các loại, rau gia vị. Chị Ánh chia sẻ: “Tôi chọn trồng xen canh giữa các loại rau ngắn ngày và dài ngày vừa tăng nguồn thu nhập, lại có rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chăm sóc tốt, cộng với không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên rau không đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng”.

Người dân bản Đồng Tâm (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) trồng rau vụ đông trên đất ruộng. 

Chia tay chị Ánh chúng tôi đến với những ruộng rau của người dân bản Tả Xin Chải 1 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu), nơi người dân đã quen với việc tăng vụ rau trên đất lúa. Một năm người dân nơi đây trồng 3 vụ: 1 vụ lúa, 1 vụ ngô và 1 vụ rau hoặc chuyển đổi sang trồng rau quanh năm. Đối với gia đình chị Vàng Thị Nghiệp, vụ đông năm nay chủ yếu trồng rau bắp cải. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch bắp cải mất hơn 3 tháng, để có thêm nguồn thu nhập, chị xen canh rau cải đông dư thời gian sinh trưởng ngắn (gần 1 tháng). Hiện giá bán buôn cải đông dư tại vườn là 10 nghìn đồng/kg. Chị Nghiệp tâm sự: “Mỗi năm gia đình tôi gieo trồng 1 vụ lúa, 1 vụ ngô và 1 vụ rau, chủ yếu gieo cấy lúa chất lượng cao, trồng ngô nếp bán bắp và các loại rau xanh. Trồng rau đòi hỏi người trồng quan tâm đến khâu chăm sóc, phát hiện sâu bệnh, điều tiết nguồn nước, tạo độ ẩm cho đất và giúp cây rau hấp thụ chất dinh dưỡng. Việc trồng rau đem lại hiệu quả, hàng năm gia đình tôi duy trì trồng trên diện tích hơn 1.000m2 đất ruộng. Trừ chi phí, mỗi vụ rau thu 3 - 5 triệu đồng”.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhiều vùng đất ruộng trên địa bàn tỉnh thuận lợi cho việc tăng vụ. Những năm qua, việc trồng cây vụ đông nói chung, rau vụ đông nói riêng góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Rau vụ đông không chỉ tạo việc làm cho nông dân khi nông nhàn mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.

Trên cánh đồng, hệ thống mương thủy lợi được đầu tư kiên cố hóa, nguồn nước dồi dào, việc phân chia, điều tiết nguồn nước giữa các hộ đầu mương dẫn nước với các hộ có ruộng rau cuối mương được thực hiện nghiêm túc, ưu tiên hộ có ruộng rau cuối mương lấy nước trước. Ngoài mương dẫn nước kiên cố, các hộ trồng rau tiến hành chia luống rau trên ruộng và nước được dẫn về từng luống đảm bảo độ ẩm cho đất. Hàng năm từ các nguồn vốn đầu tư, sửa chữa hệ thống mương thủy lợi tiếp tục được xây mới, tu sửa, đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất quanh năm.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh có 1.360ha đất trồng rau vụ thu, đông. Rau được trồng xen canh giữa cây ngắn ngày và dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế, năng suất, sản lượng cao hơn. Hiện, năng suất rau đạt 66,6 tạ/ha, sản lượng đạt 9.060 tấn. Những vùng trồng rau tập trung ở trung tâm xã, thị trấn, vùng thuận lợi thuộc các huyện: Than Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu.

Những năm qua, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân ở những vùng có điều kiện thuận lợi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ. Đội ngũ cán bộ chuyên môn triển khai các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức đi tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó giúp nông dân chủ động chuyển đổi, tăng vụ thu, đông phù hợp với điều kiện thực tế. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, người dân tín chấp với ngân hàng để có vốn đầu tư sản xuất rau vụ thu, đông. 

Ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sản xuất cây trồng vụ thu, đông trên địa bàn tỉnh là vụ tăng thu nhập cho người dân. Ngoài tập trung vào các loại cây truyền thống như: ngô, lạc, đậu tương, những năm gần đây, cây khoai tây cũng được đưa vào trồng thử nghiệm đem lại hiệu quả cao tại các huyện: Than Uyên, Sìn Hồ… Rau vụ thu, đông đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập khá cho người dân. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nhà lưới trồng các loại rau an toàn. Các chi cục, phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đợt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo nguồn rau xanh cung cấp cho thị trường an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, một số mặt hàng rau của nông dân còn phục vụ thị trường huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Việc tăng hệ số sử dụng đất trồng các loại cây rau màu vụ thu, đông mang lại hiệu quả đối với đời sống của nhiều hộ dân”.

Trong những năm tiếp theo, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp đẩy mạnh phát triển cây vụ thu, đông để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân và dần hình thành những vùng sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa.

Việt Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...