Thứ ba, 23/04/2024, 22:35 [GMT+7]

Nông dân thành phố chủ động đón rét

Thứ năm, 11/01/2018 - 23:25'
(BLC) - Không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng bắt đầu từ chiều tối ngày 8/1 đến nay quả là khắc nghiệt. Thành phố Lai Châu không có thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi nhưng với nền nhiệt thường xuyên ở mức thấp, gió kèm theo giá buốt khiến nguy cơ thiệt hại trong sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, nhờ chủ động phòng, chống nên nông dân trên địa bàn vẫn trong tâm thế bình thản đón rét.

Sáng nay (11/10), khi thời tiết không có dấu hiệu tăng nhiệt, tôi cố gắng rời cơ quan trong cái lạnh cắt da, cắt thịt để tìm hiểu tình hình sản xuất của nông dân một số xã của thành phố Lai Châu. Khác với sự vắng vẻ trên đường phố, cánh đồng rau của bản Tả Xin Chải 1, 2 (phường Đông Phong) - một thời được mệnh danh vùng chuyên canh rau xanh của thành phố vẫn có nhiều hộ dân cần mẫn làm đất, chăm sóc rau, trồng ngô hay gieo mạ. Bắt nhịp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng rau được mùa lại mất giá, nông dân các bản chủ động thâm canh, xen xanh tăng vụ. Thay vì tất cả trồng rau trong vụ đông thì nay, các hộ luân phiên trồng nhiều loại cây màu khác nhau. Vậy nên, xen lẫn những ruộng rau bắp cải, cải làn, cà rốt... được xây bờ cẩn thận là thửa ngô nếp đến kỳ thu hoạch. Có những hộ sau khi thu hoạch vụ bắp cải đầu tiên trồng từ tháng 8 - 9/2017 lại tiến hành trồng lứa bắp mới hoặc chuyển sang trồng ngô nếp bán sau dịp tết.

Gia đình chị Hảng Thị Sinh (bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng) chủ động chăm sóc trâu khi nhiệt độ xuống thấp.

Mặc dù đôi tay không ngừng bỏ phân bón lót vào hố chuẩn bị trồng rau bắp cải nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện, ông Nguyễn Văn Tính (bản Tả Xin Chải 2) vẫn niềm nở đáp lại. Qua lời ông thì đợt rét này dù không mưa nhưng giá buốt, chắc chắn cây trồng không thể phát triển tốt được. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông thì lứa rau mới này sẽ trồng giống bắp cải F nổ thay vì giống KK như vụ trước. Bởi đây là giống có khả năng chịu lạnh tốt. Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc cũng cần chú trọng hơn: bón nhiều phân chuồng, tháo nước để cân bằng độ ẩm, đặc biệt là cây giống phải cứng cáp. Mặc dù dự báo rét đậm, rét hại có thể kéo dài đến hết ngày 14/1 nhưng đảm bảo lịch thời vụ và không để đất trống dài ngày, gia đình ông vẫn quyết định làm đất, xuống giống.

Rời cánh đồng sản xuất cây màu xanh mướt mắt chúng tôi về bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng). Trên cánh đồng của bản, hàng chục con trâu tha thẩn gặm cỏ, một vài người đi chăn túm lại trò chuyện. Đi sâu vào trong, chúng tôi thấy phần đa các hộ đều trồng cỏ voi, tích trữ rơm, một số nhốt trâu tại chuồng và đang đốt lửa sưởi ấm. Hôm nay, nhận thấy thời tiết rét đậm hơn nên gia đình chị Hảng Thị Sinh quyết định chỉ thả 2 con trâu đã trưởng thành có sức khỏe tốt còn trâu mẹ đang mang thai để ở nhà cho ăn rơm, cám ngô và đốt lửa sưởi ấm. Chuồng nuôi được xây và che bạt 2 bên, dù ngoài cửa chuồng chất thải ngập chân nhưng nền chuồng bên trong sạch sẽ, khô ráo và một ít củi khô đang được đốt đủ giữ ấm cho trâu. Chị Sinh tâm sự: “Bản nằm ngay ven núi nên chúng tôi thường thả trâu lên đó, cánh đồng còn phải sản xuất nhưng mùa đông đến bà con bảo nhau mang về nhà chăm sóc. Do nhốt mấy ngày, gần trưa nay mấy gia đình mang trâu đi thả cho nó đỡ cuồng chân, chiều đến mới cho ăn thêm rơm và cám ngô nấu. Bây giờ mỗi con trâu trị giá vài tấn thóc nên phải chăm sóc, nếu con nào bị chết thì không có sức cày kéo mà lấy gì bán để có một khoản tiền lớn như vậy”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã San Thàng, phường Đông Phong, Tân Phong tập trung số lượng đàn lợn lớn. Đây cũng là thời kỳ cao điểm để bà con tăng cường chăm sóc để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp tết nguyên đán. Chính vì vậy, các nông hộ chủ động phòng, chống rét thông qua tiêm phòng định kỳ, che chắn chuồng nuôi, tăng số lượng, chất lượng các bữa ăn để đàn vật nuôi có thêm sức đề kháng, đảm bảo sinh trưởng tốt.

Với mục tiêu năm 2018 phấn đấu tổng diện tích cây lương thực có hạt 1.380,84ha, tổng sản lượng lương thực có hạt 6.821,25 tấn; sản xuất tăng vụ đạt trên 657ha; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 7,7%, nên nhận định tình hình thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, ngay từ đầu mùa đông, thành phố đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chủ động ứng phó. Theo đó, nông dân trên địa bàn đã tiến hành gia cố chuồng nuôi, dự trữ thức ăn, trồng cỏ voi, đưa trâu, bò về nuôi nhốt; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chú trọng đầu tư chăm sóc, đảm bảo nguồn nước tưới.

Nhờ chủ động nên mặc dù rét đậm, rét hại theo dự báo kéo dài nhưng có đi, có đến và tìm hiểu, chúng tôi thêm khẳng định, bảo vệ cây trồng, vật nuôi giờ đây không còn là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, địa phương mà mỗi người dân thực sự quý trọng công sức “một nắng hai sương” tạo ra.

Hoàng Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...