Thứ sáu, 19/04/2024, 02:37 [GMT+7]

Ngày mới ở thôn Thống Nhất

Thứ bảy, 23/05/2020 - 19:45'
(BLC) - Cùng với sự phát triển chung của huyện Phong Thổ, những năm gần đây thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ) đang khoác lên mình diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Thôn Thống Nhất được sát nhập từ 2 thôn: Vàng Khon và Thẩm Bú theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh về việc thành lập, sáp nhập thôn, bản. Thôn có tổng diện tích tự nhiên là 1.122ha với 224 hộ, 717 khẩu, 2 dân tộc (Thái, Kinh) cùng chung sống chủ yếu dọc theo tuyến Quốc lộ 4D. Nơi đây có đến 52,3% số hộ là công chức, gia đình hưu trí, còn lại là hộ làm nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi đi thăm thôn bên những ngôi nhà xây kiên cố, rộng rãi, những sập hàng mít, bánh đa liền kề, chốc chốc lại có người đi đường dừng mua, ông Nguyễn Văn Đại - Trưởng thôn Thống Nhất kể: “Trước đây, đường nội thôn 100% là đường đất, bà con sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống còn khó khăn, số lượng hộ nghèo cao, nhiều hộ ở nhà tranh vách nứa. Từ năm 2015 trở lại đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp với nhiều chủ trương, chính sách cùng ý thức tự lực, tự cường, Nhân dân trong thôn đoàn kết xây dựng khu dân cư ngày càng vững mạnh về kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, môi trường xanh-sạch-đẹp”.

Cây ăn quả giúp người dân thôn Thống Nhất có thêm thu nhập.

Cây ăn quả giúp người dân thôn Thống Nhất có thêm thu nhập.

Chỉ tay về phía những vườn rau xanh tốt và khu sản xuất Vàng Ve rộng bát ngát bên kia suối Nậm So, ông Đại cho biết thêm, các công chức hay cán bộ hưu trí sau thời gian làm việc vẫn tăng gia lao động sản xuất, trồng trọt chăn nuôi cải thiện bữa ăn hàng ngày. Các hộ dân có nhà gần đường vừa kinh doanh tạp hóa, bán hoa quả vừa chăn nuôi. Hiện nay, cả thôn có 20 gia đình kinh doanh theo thời vụ. Với các hộ nông dân, hàng ngày chăm chỉ gieo trồng lúa, ngô với tổng diện tích cây lương thực có hạt hàng năm là 33,6ha, sản lượng đạt 143 tấn. Có điều thay vì trồng giống địa phương năng suất thấp, các hộ đã chuyển sang trồng giống mới, năng suất cao kết hợp đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức lao động (thôn có 10 máy cày, bừa, máy tuốt lúa).

Ngoài ra, bà con còn trồng, chăm sóc 5ha rau xanh các loại, phục vụ đời sống hàng ngày và xuất ra thị trường mỗi năm từ 20 tấn trở lên. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm bà con chú trọng công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành nhiều nơi, gây tổn thất lớn cho người nông dân thì trong thôn gia súc vẫn được bảo vệ tốt. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của thôn hiện đạt trên 5.000 con (trâu 20 con, lợn 500 con, gia cầm 4.500 con). Hàng năm, xuất ra thị trường 15-20 tấn thịt lợn hơi, 7-10 tấn thịt gia cầm. Nuôi thủy sản với tổng diện tích nuôi trồng 9.870m2, sản lượng thu hoạch từ 5-6 tấn/năm.

Nổi bật nhất trong kinh tế của thôn từ năm 2015 đến nay là việc đưa diện tích cây ăn quả (mít, chuối, táo, cam, quýt) vào trồng trong vườn và thay thế diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả. Hiện cả thôn có 12 hộ trồng cây ăn quả chuyên để bán, diện tích đạt 5ha. Điển hình như gia đình các ông: Nguyễn Xuân Oanh, Bùi Đức Chiến, Mào Văn Dậm… Ông Bùi Đức Chiến chia sẻ: “Năm 2008 gia đình tôi bắt đầu trồng 60 cây xoài, 60 cây mít, 70 cây nhãn, 30 gốc chuối, gần 2.000m2 dứa. Đến năm 2016, tôi trồng thêm 100 cây táo. Giờ các cây ăn quả đều đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập chính cho gia đình. Gia đình tôi còn nuôi cá trên diện tích 400m2 mặt nước, trồng 1.000m2 bí đao và khoai sọ, chăn nuôi gia cầm. Tổng thu nhập gia đình mỗi năm trừ chi phí đạt 110 triệu đồng”.

Hiểu rõ tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, hàng năm Nhân dân trong thôn chung sức chăm sóc, bảo vệ tốt 417ha rừng, không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Mỗi năm thôn được chi trả trên 200 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, tổng thu nhập bình quân đầu người của thôn tăng qua các năm. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thôn là 16 triệu đồng thì đến năm 2019 tăng lên 25 triệu đồng. 100% hộ có tivi, xe máy, 60% số hộ có nhà xây kiên cố, 2 hộ mua được 3 ô tô để đi lại, thôn chỉ còn 10 hộ nghèo.

Nhắc đến sự đổi thay của thôn không thể không nhắc đến năm 2019, 50 hộ đã đồng lòng hiến đất cùng Nhà nước làm đường bê tông ra khu sản xuất Vàng Ve dài 1,1km, rộng 4m. Bước sang tháng 4/2020, được HTX Xuân Oanh (đứng chân trên địa bàn thôn) hỗ trợ kinh phí 65 triệu đồng, bà con đồng thuận đóng góp ngày công làm đường điện thắp sáng đường thôn chiều dài 2.500m với 100 bóng điện.

Không những vậy, phong trào văn hóa văn nghệ, khuyến học khuyến tài cũng phát triển với 5 dòng họ hiếu học tiêu biểu gồm các dòng họ: Đèo, Đồng, Đặng, Lò, Nguyễn. Hàng năm thôn có 5-6 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. 1 đội văn nghệ với 12 người duy trì hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. 2 năm nay, các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3. Trong thôn không có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Tin tưởng rằng với sự đổi thay tích cực gần đây, thôn Thống Nhất sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng thị trấn Phong Thổ giàu đẹp, văn minh.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...