Thứ sáu, 29/03/2024, 15:05 [GMT+7]

Ngân hàng Lai Châu 55 năm xây dựng và phát triển (8/1/1963 - 8/1/2018)

Thứ hai, 08/01/2018 - 20:59'
(BLC) - Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành Ngân hàng Lai Châu đã liên tục phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước giao phó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 27/2/1962 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II Quyết định tái lập 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu và thành lập thêm tỉnh Nghĩa Lộ thuộc Khu Tự trị Tây Bắc. Ngày 8/1/1963 Tổng Giám đốc - nay là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ký Quyết định số 11/QĐ giải thể Chi nhánh Khu tự trị Thái Mèo, thành lập 3 Chi nhánh Ngân hàng tỉnh Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La. Chi nhánh Ngân hàng Lai Châu phụ trách các Chi điểm: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Lay. Sự kiện này là một dấu son lịch sử của hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Lai Châu chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Từ khi mới bắt đầu thành lập, Ngân hàng Lai Châu có tổng số 163 cán bộ. Ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Lai Châu và được chia tách từ đầu năm 2004. Trên cơ sở đó, các Chi nhánh Ngân hàng Lai Châu được tái thành lập theo địa giới hành chính tỉnh Lai Châu mới. Như vậy, đến ngày 8/1/2018, Ngân hàng Lai Châu tròn 55 năm xây dựng và phát triển.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch của Ngân hàng Agribank Mường Tè.

Lai Châu xưa và nay vẫn là một tỉnh miền núi còn khó khăn nhất cả nước. Song, với ý chí và quyết tâm cùng chung lưng đấu cật, chịu đựng gian nan, khắc phục mọi khó khăn, đem sức lực và lòng nhiệt huyết hăng say của tuổi trẻ để xây dựng Ngân hàng Lai Châu ngày càng trưởng thành và phát triển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Biết bao cán bộ, công chức và người lao động ngành Ngân hàng đã và đang cống hiến tuổi thanh xuân cho mảnh đất Lai Châu thân yêu, có đồng chí đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Năm tháng qua đi, hoạt động của Ngân hàng Lai Châu cũng đã vượt qua bao gian nan thử thách song cũng rất đỗi tự hào và đầy nghị lực. 55 năm qua, cùng với tiến trình của cách mạng đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lớp lớp cán bộ Ngân hàng Lai Châu vượt khó đi lên hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành trong từng thời kỳ xây dựng và phát triển; trong niềm tin yêu và ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Trong những năm đất nước chưa thống nhất, cả nước có chiến tranh, cùng với hoạt động ngân hàng nói chung, Ngân hàng Lai Châu nói riêng: vốn tín dụng tập trung cho vay các hợp tác xã nông nghiệp, vận tải thô sơ, các hộ cá thể, cho vay khai khoáng nhằm thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chủ yếu đầu tư cho thương nghiệp quốc doanh để thu mua nông - lâm sản, dự trữ hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, từng bước đẩy lùi kinh tế tự cung tự cấp, tạo ra quan hệ trao đổi hàng hoá trong Nhân dân thông qua hoạt động lưu thông tiền tệ, củng cố quan hệ sản xuất mới. Thời kỳ này, hoạt động ngân hàng có thể đánh giá là thời kỳ cao trào. Qua cao trào đó đã chắt lọc những tinh hoa hết sức quý trọng, đó là tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, hết lòng vì sự nghiệp thống nhất đất nước, vì sự nghiệp của ngành; truyền thống đoàn kết, đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của ngành là trên hết…

Sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà hoàn toàn độc lập (năm 1975), trong thời kỳ cả nước cùng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoạt động ngân hàng được mở rộng, Ngân hàng Lai Châu cũng đã mở rộng quan hệ tín dụng với mọi tổ chức, thành phần kinh tế. Khối lượng tín dụng ngày càng tăng, vốn tín dụng chú trọng vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, cải tiến kỹ thuật, cơ giới hoá và mở rộng sản xuất. Đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm (vùng lúa lòng chảo Mường Thanh - Điện Biên, Bình Lư - Phong Thổ, vùng chè Tam Đường,…).

Thực hiện Nghị định 53/HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ngày 1/7/1988, hệ thống ngân hàng được chia thành hai cấp: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và một số nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương theo sự phân cấp, uỷ quyền của Thống đốc; các ngân hàng chuyên doanh thực hiện chức năng kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, có tư cách pháp nhân và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Sau khi Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ra đời vào ngày 24/5/1990, ngành Ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, căn bản và toàn diện phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước. Quá trình bố trí lại mô hình tổ chức, sắp xếp cán bộ, ngành Ngân hàng Lai Châu đã phải giải thể công ty kinh doanh vàng bạc và các cửa hàng trực thuộc, 4 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp cấp huyện, thành lập lại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cuộc cách mạng về tinh giản biên chế, hơn 300 cán bộ, công chức và người lao động được nghỉ hoặc chuyển ngành do yêu cầu công việc và năng lực thực tế.

Từ ngày 1/10/1998, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, thay thế 2 Pháp lệnh năm 1990. Đặc biệt, ngày 16/6/2010, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thay thế 2 Luật năm 1998. Quá trình hình thành và phát triển của ngành Ngân hàng Lai Châu ngày càng lớn mạnh, hoạt động của các chi nhánh ngân hàng ngày càng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2004 (khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên), các Chi nhánh Ngân hàng Lai Châu gồm: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh được thành lập theo địa giới hành chính tỉnh Lai Châu mới, với tổng số cán bộ là 157 người. Những năm đầu chia tách, các ngân hàng đều làm việc trong tình trạng người ít việc nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trụ sở đi thuê nhà dân hoặc làm việc tạm tại một chi nhánh nhỏ hết sức chật chội, điện yếu, nước sinh hoạt thất thường… Dù có thế nào đi nữa toàn ngành đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, cán bộ tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thể hiện qua một số hoạt động chủ yếu:

Thứ nhất, ngành Ngân hàng Lai Châu từ tỉnh xuống huyện thực hiện tốt việc tuyển chọn đồng tiền sạch đẹp trước khi đưa ra lưu thông, đáp ứng đầy đủ kịp thời cả số lượng, giá trị và cơ cấu các loại tiền mặt vào lưu thông, qua đó phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kho quỹ luôn cơ bản đảm bảo an toàn.

Thứ hai, tập trung huy động tối đa mọi nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn huy động tại địa phương thường chiếm trên 50% tổng nguồn vốn, tranh thủ tối đa nguồn vốn uỷ thác, chủ động xin điều hoà vốn từ trung tâm điều hành và đi vay các nguồn khác theo phương châm “đi vay để cho vay”. Tính đến cuối năm 2017 đạt 15.545 tỷ đồng, tăng 79 lần (bằng 15.348 tỷ đồng) so với đầu năm 2004. Hoạt động đầu tư tín dụng tăng lên nhanh chóng và vững chắc, đầu tư đúng hướng đúng đối tượng, đến cuối năm 2017, dư nợ đạt 14.781 tỷ đồng, tăng 66,5 lần (bằng 14.559 tỷ đồng) so với đầu năm 2004; cơ cấu tín dụng được tập trung đầu tư đúng hướng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; doanh nghiệp nhỏ và vừa; các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh (Thuỷ điện Lai Châu, Nậm Mở, Huội Quảng, Bản Chát,...); các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là tập trung đầu tư cho vay vốn các hộ nghèo, hộ cận nghèo; tín dụng đầu tư, chủ yếu là phục vụ di dân, tái định cư tại các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh… Nợ xấu luôn trong tầm kiểm soát của từng đơn vị ngân hàng và dưới mức kế hoạch ngành Ngân hàng Lai Châu đề ra.

Thứ ba, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, trong những năm qua, ngành Ngân hàng Lai Châu thực hiện tốt công tác thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán qua hệ thống ngân hàng luôn “Nhanh chóng, chính xác và an toàn”, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong các giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Đặc biệt là ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện, phát triển các loại hình thanh toán qua thẻ ngân hàng. Qua đó, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên đáng kể, chiếm gần 80%/tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng.

Thứ tư, công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các chi nhánh tổ chức tín dụng những năm qua luôn được coi trọng. Mặc dù lực lượng của đội ngũ này rất mỏng về số lượng, chưa mạnh về chất lượng nhưng hàng năm các chi nhánh đã tăng cường về số lượng, đào tạo về chất lượng, đồng thời bám sát cơ sở, thanh tra kiểm soát được hàng chục cuộc mỗi năm, phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời các sai sót được phát hiện.

Thứ năm, ngành Ngân hàng Lai Châu từ khi chia tách đến nay không ngừng phát triển và tăng nhanh về mạng lưới cũng như đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, đã có 7 chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh và 2 quỹ tín dụng Nhân dân với tổng số 41 điểm giao dịch cố định, tăng 27 điểm giao dịch cố định; 108/108 xã, phường, thị trấn đều có điểm giao dịch lưu động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội; số cán bộ, công chức và người lao động là 521 người, tăng 364 người so với lúc mới chia tách tỉnh.

Thứ sáu, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường, đẩy mạnh công tác phối kết hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chính quyền địa phương các huyện, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Đến nay, Chi nhánh đã ký chương trình/quy chế phối hợp với 21 đơn vị, qua đó góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động trên địa bàn.

Thứ bảy, ngành Ngân hàng được đánh giá là ngành đi đầu trong hoạt động từ thiện, chung tay xây dựng nông thôn mới, hàng năm ủng hộ hàng tỷ đồng, hàng trăm bộ quần áo, nhiều ngày lương cho công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, giáo dục, y tế. Từ đó, góp phần nhỏ bé trong quá trình thay đổi diện mạo đô thị từ tỉnh xuống các huyện; làm cầu nối với Ngân hàng cấp trên ủng hộ, đầu tư hàng chục tỷ đồng phục vụ cho các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh, điển hình một số công trình phúc lợi như: Vietinbank ủng hộ xây dựng Trường Trung cấp Y tỉnh Lai Châu trị giá 50 tỷ đồng, tặng 5 xe cứu thương cho tỉnh trị giá 5 tỷ đồng; Agribank ủng hộ xây dựng Ký túc xá Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, trị giá 30 tỷ đồng hoặc ngành Ngân hàng cũng kịp thời ủng hộ, hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt (năm 2017 ủng hộ, hỗ trợ Nhân dân gần 1 tỷ đồng do bị thiệt hại lũ lụt để khôi phục sản xuất và hỗ trợ gia đình có người tử vong).

Giai đoạn 2004 - 2017, hệ thống Ngân hàng Lai Châu đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững trên quê hương Lai Châu. Ghi nhận những thành tựu và đóng góp của ngành Ngân hàng Lai Châu, Nhà nước, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng thưởng cho các đơn vị ngân hàng trên địa bàn Lai Châu: 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh và của ngành; 18 Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và 29 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hàng trăm cá nhân được tặng Bằng khen và danh hiệu cao quý khác.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Lai Châu ngày càng trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống Ngân hàng Lai Châu đã khẳng định vai trò, vị thế là huyết mạch kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển, ổn định kinh tế, huy động vốn đầu tư, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Lai Châu. Hiệu lực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng tại địa phương ngày càng được thể hiện rõ nét; hệ thống các tổ chức tín dụng được củng cố, phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của ngành, của tỉnh trong từng giai đoạn.

Nguyễn Văn Luận - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...