Thứ bảy, 20/04/2024, 03:54 [GMT+7]

Ngăn chặn kịp thời sâu bệnh trên cây trồng

Thứ tư, 19/08/2020 - 10:01'
Năm nay, thời tiết mưa - nắng thất thường đã tạo điều kiện cho một số sâu bệnh xuất hiện gây hại cây trồng trên địa bàn thành phố Lai Châu. Để giảm thiệt hại gây ra, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng chống sâu bệnh kịp thời, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.

Đồng chí Hà Quốc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Vụ lúa mùa năm nay, thành phố Lai Châu gieo trồng 541,53ha lúa và ngô thu đông 144ha. Cây lúa trà sớm đang giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh; trà chính vụ đang ôm đòng, trỗ bông và trà muộn đẻ nhánh, đứng cái. Qua kiểm tra, có 3ha lúa ở xã San Thàng và Sùng Phài bị bệnh sâu cuốn lá nhỏ, mật độ trung bình 1,6-4,6 con/m2, cao 5-10 con/m2. Sâu đục thân 2 chấm gây hại cục bộ vào đầu tháng 8 trên toàn bộ diện tích trà lúa sớm. Bên cạnh đó, các bệnh đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn lá, khô vằn, bạc lá, đen lép hạt gây hại trên 30ha chủ yếu là các giống lúa: thái xuyên, nhị ưu 838, tẻ râu, xuyên hương, R60… Đặc biệt, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên trà lúa sớm đang trong giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh, tỷ lệ trung bình 0,44-0,76% bông, cao 1,5-1,61% bông tập trung ở các xã: San Thàng, Sùng Phài và phường Đông Phong. Đối với ngô vụ thu đông có bệnh sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên ngô trà sớm giai đoạn 3-4 lá trên tất cả các xã, phường, mật độ nhẹ trung bình 3,5 con/m2, cao 9 con/m2 và một số các đối tượng gây hại nhẹ rải rác vào đầu vụ như: sâu xám, dế…
Vụ mùa năm nay, gia đình anh Hồ Văn Phong (bản San Thàng, xã San Thàng) gieo cấy hơn 1.000m2 lúa giống thái xuyên. Mặc dù gia đình anh thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh bạc lá gây hại từ cuối tháng 7, nhưng do thời tiết diễn biến thất thường nên việc phun thuốc phòng, trừ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cũng như anh Phong, gia đình chị Sùng Thị Cu (bản Sin Páo Chải, xã Sùng Phài) có hơn 3.000m2 lúa tẻ râu bị bệnh đạo ôn gây hại, qua 2 lần phun thuốc nhưng chưa đủ thời gian thì trời lại mưa nên thuốc không có tác dụng nhiều, hiện chỉ chờ thời tiết tạnh mưa để phun thuốc tiếp diệt trừ bệnh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu hướng dẫn nông dân xã San Thàng xử lý bệnh bạc lá trên lúa mùa.

Bên cạnh sâu bệnh gây hại trên cây lúa, ngô, hiện nay một số sâu bệnh gây hại trên 953ha cây chè, chủ yếu là rầy xanh, bọ xít muỗi, nhện đỏ, bệnh thối búp. Ngoài ra, 63ha hoa, 158,97ha cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng bởi nhện đỏ, nấm đốm đen, sâu vẽ bùa… gây hại nhẹ. Gia đình anh Lý Văn Định ở bản Lùng Than (xã San Thàng) có hơn 2ha hoa hồng bị nhiễm bệnh nhện đỏ và nấm đốm đen. Theo anh Định, nhện đỏ hút hết nhựa làm cây hoa chết, bệnh nấm đốm đen làm cây rụng hết lá không phát triển được, 5 ngày, anh Định lại phun thuốc phòng trừ 1 lần. Tuy nhiên, do mưa - nắng thất thường nên sâu bệnh vẫn tiếp tục phát triển.
Trước diễn biến rất phức tạp của sâu bệnh hại trên cây trồng, Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình thực tế để kịp thời tham mưu, chỉ đạo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.

Theo đó, các xã, phường tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng trừ, đặc biệt khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, cũng khuyến cáo bà con thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng thuận lợi, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại. Đối với diện tích lúa trà sớm và trà chính vụ đang trong giai đoạn ôm đòng - chắc xanh, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện kịp thời sâu bệnh gây hại để có biện pháp phun trừ kịp thời.

Những diện tích lúa mùa đang nhiễm sâu bệnh không bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá. Sử dụng các loại thuốc hóa học FuJi One 40EC, Daconil, Totan 200WP, Starwiner 20WP, Bemab 52WG… phun trừ sâu bệnh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa mùa vì đây là thời điểm quyết định đến năng suất lúa cả vụ. Riêng với cây chè, chăm sóc bón phân cân đối, thu hái búp non đúng lứa, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng. Còn diện tích hoa và cây ăn quả tập trung phòng trừ bọ trĩ, nhện đỏ, sâu đục quả, nấm đốm đen, sâu vẽ bùa. Đến nay, cơ bản các diện tích cây trồng bị sâu bệnh đã được khống chế, nhiều diện tích lúa, chè, hoa, cây ăn quả đã phục hồi phát triển tốt.
Theo đồng chí Hà Quốc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, ngoài tăng cường dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên tất cả các cây trồng và hướng dẫn bà con xử lý kịp thời, hiệu quả, không để lây ra diện rộng, bà con nông dân cần quan tâm nhiều đến việc làm sạch cỏ cho cây trồng, bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý. Đặc biệt, theo dự báo thời tiết, thời gian tới còn mưa nhiều, bà con cần theo dõi chặt chẽ sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nếu có biểu hiện của bệnh sâu cắn gié, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá, đen lép hạt, nhện đỏ, nấm đốm đen, bọ trĩ… phải báo ngay cho cán bộ chuyên môn để phòng trừ kịp thời nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...