Thứ sáu, 19/04/2024, 07:56 [GMT+7]

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ năm, 14/03/2019 - 17:11'
(BLC) - Được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về trồng trọt, chăn nuôi, huyện Tân Uyên đã và đang xây dựng, triển khai nhiều mô hình kinh tế nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, mang lại giá trị cao.

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến thăm mô hình trồng giống mít Thái Lan của bà con bản Bút Dưới (xã Trung Đồng). Tháng 6/2018, 24 hộ dân tham gia mô hình trồng 1,5ha cây mít Thái Lan. Toàn bộ diện tích đang phát triển tốt, nhiều cây cao trên 1,5m và bắt đầu bói quả. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, lứa quả bói đầu tiên sẽ phải bỏ đi để vài tháng sau cho quả chuẩn, sai, chất lượng hơn.

Ông Lò Văn Muôn (bản Bút Dưới) là hộ được hưởng lợi từ dự án chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ 60 cây mít Thái Lan. Tôi được biết, giống mít này dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thu hoạch nhanh mà quả sai quanh năm. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Múi mít mọng, giòn ngọt, năng suất cao nên rất hy vọng diện tích của gia đình sẽ đảm bảo được các yếu tố đó để mang lại thu nhập cao”.

Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên triển khai mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Thân Thuộc với giống cây nhãn chín muộn PHM 99-1.1, quy mô 1ha/12 hộ tham gia và Trung Đồng với giống mít Thái Lan quy mô 1,5ha/24 hộ tham gia. Mô hình có tổng đầu tư khoảng 100 triệu đồng được triển khai tháng 6/2018 và bà con được hỗ trợ 100% giống, phân bón, kỹ thuật trồng. Hiện nay, mô hình đạt tỷ lệ cây sống 100%; riêng mít bắt đầu bói quả.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên hướng dẫn Nhân dân bản Bút Dưới chăm sóc cây mít Thái Lan

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên hướng dẫn Nhân dân bản Bút Dưới chăm sóc cây mít Thái Lan.

Tận dụng lợi thế lòng hồ Thủy điện Bản Chát, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với xã Tà Mít thực hiện mô hình nuôi cá lồng tại bản Lồng Thàng với 15 hộ tham gia. Trong số 19 lồng cá: trắm, rô phi, chép có 4 lồng do người dân tự thực hiện. Các hộ tham gia được hỗ trợ lồng, giống, kỹ thuật chăm sóc. Sau 5 tháng, cá sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều loại cho thu hoạch, trừ chi phí mỗi lồng thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Tiếp nối thành công đó, năm 2018, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình nuôi cá lồng tại xã Tà Mít quy mô 3 lồng/2 hộ (2.000 con cá trắm, chép, rô phi) và duy trì, phát triển thêm 6 lồng cá của người dân.

Đến nay, mô hình nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả cải tạo vườn tạp ở một số địa phương không chỉ giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt còn tạo sản phẩm tại chỗ, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bà Hoàng Thị Luyến - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trung tâm thực hiện tốt vai trò cầu nối triển khai, thực hiện, xây dựng các mô hình sản xuất điểm hỗ trợ nông dân nguồn lực về giống, kỹ thuật. Đây chính là lời giải bài toán giảm nghèo của huyện giúp bà con có sinh kế vươn lên ổn định cuộc sống.

Tạo sinh kế cho người dân, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong khối Nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là đưa cây, con giống mới vào canh tác, nuôi trồng. Mở lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, dự án của Trung ương, tỉnh giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển mô hình kinh tế. Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng thương mại, chính sách cho đoàn viên, hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất lúa, ngô, chăm sóc quế, sơn tra, mắc ca, cây ăn quả… cho bà con. Làm tốt công tác dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng.

Trong năm 2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp xã Trung Đồng, Thân Thuộc; trồng cây giổi xen chè tại xã Mường Khoa quy mô 19ha; dự án trồng cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận) tại xã Hố Mít, Mường Khoa quy mô 16ha/36 hộ tham gia; hướng dẫn bà con chăm sóc 150ha mắc ca tại xã: Trung Đồng, Phúc Khoa, Mường Khoa, Pắc Ta, Nậm Sỏ. Mô hình nuôi 3 lồng/2 hộ/2.000 con cá tại xã Tà Mít… Những mô hình này đang duy trì, phát triển và một phần mang lại giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...