Thứ sáu, 19/04/2024, 07:26 [GMT+7]

Nhãn hiệu hàng hóa - tạo uy tín trên thị trường

Thứ tư, 19/08/2020 - 10:00'
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đồng chí Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN), Sở KH&CN đã tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT. Đến nay đã có hàng chục tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền SHTT nhãn hiệu hàng hóa. Việc xác lập quyền SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, tạo uy tín đối với khách hàng”.

Những năm qua, Sở KH&CN luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hoàn thiện thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT, hướng tới việc bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình. Đồng thời, công bố sản phẩm trí tuệ cho toàn xã hội biết để chia sẻ, tiết kiệm chi phí nghiên cứu. Tuy nhiên, hoạt động SHTT tại tỉnh chưa được tổ chức đa dạng và thường xuyên. Số lượng tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền SHTT hạn chế. Một số sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh đã được đăng ký xác lập quyền SHTT nhưng thời gian thẩm định của Cục SHTT kéo dài chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Trước thực trạng trên, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm lồng ghép trong nội dung thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Sở KH&CN hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền SHTT nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xác lập và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương. Đến nay, tỉnh ta có 80 tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền SHTT nhãn hiệu. Cục SHTT (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ cho 33 nhãn hiệu của tỉnh, trong đó có 6 nhãn hiệu tập thể và 27 nhãn hiệu cá nhân thông thường.
Chị Bùi Ngọc Loan - Phó trưởng Phòng Quản lý KH&CN (Sở KH&CN) cho biết: “Gần đây, Sở KH&CN chú trọng tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hiểu giá trị, lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong thời kỳ hội nhập mới. Các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ áp dụng các giải pháp bảo vệ và phát triển sản phẩm. Nhờ quản lý, khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả, các tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng rau thủy canh (thành phố Lai Châu) được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm du lịch tỉnh.

Được biết, Sở KH&CN đã hỗ trợ xác lập và phát triển 6 sản phẩm đặc sản của địa phương để Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè của các huyện: Tam Đường, Tân Uyên; gạo khẩu ký, nếp tan co giàng huyện Tân Uyên; tẻ râu huyện Phong Thổ và séng cù huyện Than Uyên. Điều đáng quan tâm nhất, tháng 8/2017 sản phẩm chè Tam Đường được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm “CHE TAM DUONG”. Người dân và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển (CPĐTPT) Chè Tam Đường khai thác, phát triển vùng chè shan và chè chất lượng cao trên 1.000ha cho năng suất trung bình từ 25 - 35 tạ chè búp/ha. Nhãn hiệu chứng nhận tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè có nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện cho công ty liên kết với người dân sản xuất ra chè chất lượng cao. Giờ đây, nhãn hiệu “CHE TAM DUONG” do UBND huyện làm chủ sở hữu là công cụ pháp lý bảo hộ quyền lợi đối với người sản xuất cũng như công ty chế biến chè trên địa bàn huyện trong phạm vi cả nước.
Đồng chí Trần Văn Sứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: "Ngay khi Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm “CHE TAM DUONG”, UBND huyện Tam Đường yêu cầu Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường ký cam kết đầu tư mở rộng vùng chè; xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân, kỹ thuật; tập huấn cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái chè búp nhằm giữ vững thương hiệu chè Tam Đường. Huyện quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập từ chè búp, công ty mở rộng thị trường kinh doanh chè khô…”.
Với đó, tháng 5/2017, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo tẻ râu Phong Thổ”. Ngay khi UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo tẻ râu Phong Thổ”, sản phẩm gạo tẻ râu của huyện có thương hiệu và uy tín trên thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong việc phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh “Gạo tẻ râu Phong Thổ” có nguồn gốc, xuất xứ ở huyện Phong Thổ. Nhiều người dân ở xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) cho biết, đã có nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm “Gạo tẻ râu Phong Thổ”. Người dân nơi đây không lo đầu ra cho sản phẩm gạo tẻ râu địa phương. “Gạo tẻ râu Phong Thổ” được giá, tư thương đặt mua tại địa phương với giá ổn định. Nhờ đó, người dân nâng cao thu nhập từ sản phẩm gạo địa phương.
Hiện nay, Sở KH&CN tiến hành đăng ký cấp văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm: rau thủy canh, miến dong, gạo khẩu hốc, sâm, lan, lan kim tuyến, thuốc tắm của dân tộc Dao Khâu, ớt Trung Đoàn, thổ cẩm, thịt trâu sấy, quả chuối. Như vậy, sẽ giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, tạo uy tín trên thị trường.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...