Thứ sáu, 29/03/2024, 21:31 [GMT+7]

Pa Tần thêm mùa vàng bội thu

Thứ sáu, 11/06/2021 - 17:23'
Những ngày này, các hộ sản xuất nông nghiệp xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân và đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống vụ hè thu. Vụ vừa qua, bà con bám sát lịch thời vụ, chủ động phòng trừ sâu bệnh, có phương án sản xuất phù hợp và đã gặt hái thêm một mùa vàng bội thu.

Vụ lúa đông xuân năm nay, Pa Tần tập trung sản xuất tại khu vực ruộng của các bản vùng thấp, dọc sông Nậm Na, chủ yếu trên cánh đồng: Nà Y, Pá Nậm, Pá Táng, Pá Tiến, Nà Khà và Pá Mạ với tổng diện tích hơn 40ha, đảm bảo kế hoạch UBND huyện giao. Ngoài các giống lúa thuần của địa phương và một số giống lúa nếp do bà con tự chuẩn bị giống, nhiều hộ đầu tư một số giống lúa lai nhị ưu, nghi hương, bắc thơm với quyết tâm nâng cao năng suất, sản lượng. Trước những diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại phức tạp, bà con nơi đây không quản “một nắng hai sương”.

Dân bản Pa Tần 1 (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ) thu hoạch lúa.

Ông Lò Văn Nga - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hệ thống thủy lợi đã phát huy hiệu quả nên sản xuất vụ lúa đông xuân năm nay không gặp trở ngại do thiếu nước sản xuất; điều tiết nước hợp lý còn giúp bà con phòng, chống rét cho lúa trong mỗi giai đoạn lúa phát triển. Ông Nga kể lại, những ngày đầu vụ ngay sau khi xuống giống, trời rét đậm, rét hại, để tránh ảnh hưởng, UBND xã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn người dân che phủ ni-lông, điều tiết nước chống rét cho mạ và diện tích lúa gieo vãi vừa xuống giống, đồng thời khuyến cáo cho bà con không bón đạm trong thời kỳ nền nhiệt xuống thấp. Chủ động, tích cực phòng, chống rét nên Pa Tần đã giảm thiểu ảnh hưởng của các đợt rét tới quá trình sản xuất lúa đông xuân; không có diện tích nào phải xuống lại giống, giúp giảm chi phí sản xuất.

Vụ đông xuân năm nay, Pa Tần còn luôn chủ động xử lý sâu bệnh hại lúa. Được biết, rải rác trong các kỳ sinh trưởng của lúa, trên các diện tích sản xuất của xã Pa Tần vẫn xuất hiện tình trạng sâu đục thân, đạo ôn, bạc lá, sâu cuốn lá và một số sâu bệnh hại lúa khác. Ông Tao Văn Toán (bản Pa Tần 1, xã Pa Tần) cho biết: Trong quá trình sản xuất, nhờ thường xuyên thăm đồng nên dân bản kịp thời phát hiện và xử lý, khống chế sự lây lan, không để sâu bệnh hại lúa phát triển thành dịch. Khi lúa bắt đầu trổ bông, đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân và rầy nâu. Ngay sau khi phát hiện, ông dùng thuốc trừ sâu kịp thời. Nhờ đó, sâu bệnh hại chỉ diễn ra cục bộ, không để xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng tới sản lượng lúa.

Trong sản xuất vụ lúa vừa qua, bà con còn chủ động nguồn phân bón, bón lót, bón thúc hợp lý. Trước đây cũng có những năm, bà con bón phân đón đòng không đúng thời điểm, khiến lúa tốt mà nghẹn đòng, hạt lép và giảm năng suất. Qua trao đổi với một số hộ sản xuất tại các bản: Pa Tần 1, An Tần, Pa Tần 2, chúng tôi được biết bằng kinh nghiệm sản xuất của mình cùng sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, bà con đã chủ động bón thúc sau khi lúa đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng. Lượng phân đạm, urê, kali hoặc NPK được sử dụng hợp lý và đúng thời điểm đã giúp thân lúa cứng, bông lúa to, hạt mẩy, đây là những yếu tố quyết định thắng lợi của mùa vụ.

Dày công chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, Pa Tần đã gặt hái thêm một mùa vụ thắng lợi, năng suất bình quân đạt gần 50 tạ/ha. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, bà con khẩn trương thu hoạch, phơi khô bảo quản thành quả của vụ lúa đông xuân. Cùng với đó, một số bản các hộ sản xuất đã chuẩn bị giống, khẩn trương làm đất để bước vào vụ sản xuất mới.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...