Thứ sáu, 19/04/2024, 15:30 [GMT+7]

Phát triển cây dược liệu

Thứ sáu, 11/09/2020 - 08:49'
(BLC) - Hiện nay, tỉnh ta tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân mở rộng diện tích trồng, chăm sóc và sơ chế dược liệu. Qua đó, bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý, đem lại giá trị kinh tế cao.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu, đồng chí Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Thời điểm này, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. UBND tỉnh đã ra Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 14/01/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đối với các loại sâm Lai Châu, bảy lá một hoa và lan kim tuyến, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh hỗ trợ một lần 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường kiểm tra sự phát triển của sâm Lai Châu ở bản Lao Chải 2 (xã Khun Há).

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường kiểm tra sự phát triển của sâm Lai Châu ở bản Lao Chải 2 (xã Khun Há).

Kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Hà Nội) Lai Châu có 875 loại dược liệu, trong đó nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Một số cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tỉnh thuận lợi phát triển cây dược liệu với 2 phần 3 diện tích đất lâm nghiệp. Đây là nơi bảo tồn nguồn dược liệu tự nhiên đa dạng về chủng loại với công dụng chữa bệnh. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh thuận lợi cho trồng, phát triển dược liệu quý. Toàn tỉnh có trên 17.800ha cây dược liệu các loại như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đương quy. Đối với cây quế, sơn tra, người dân thực hiện trồng theo Đề án của tỉnh phê duyệt. Các loại dược liệu khác, người dân tự đầu tư trồng hoặc tỉnh hỗ trợ theo các chương trình, dự án trồng sa nhân, bảy lá một hoa, sâm Lai Châu. Hiện, nguồn dược liệu tự nhiên trên địa bàn tỉnh đang bị khai thác thiếu kiểm soát, không khoa học; mua, bán dược liệu tự phát. Một số dược liệu quý người dân khai thác triệt để cả cây non và già. Vì vậy, tỉnh ta có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng nguồn dược liệu.  

Kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung hỗ trợ trồng mới 10ha các loại dược liệu quý như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa và lan kim tuyến. Từ đầu đến nay, tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân phát triển cây dược liệu theo đúng kế hoạch. Các huyện trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch, định hướng cho bà con trồng cây dược liệu. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho bà con trồng, chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh trồng mới 0,3ha sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè; 2,55ha bảy lá một hoa tại huyện Phong Thổ và 0,5ha lan kim tuyến tại huyện Tân Uyên. Nhắc đến việc phát triển cây dược liệu, chị Mạc Thị Kim Tuyến - Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết: “Hiện nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên phát triển 250ha các loại dược liệu như: hà thủ ô đỏ, đảng sâm, đan sâm, đương quy và xuyên khung. Các huyện phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình trồng cây dược liệu (actiso, đương quy) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với gieo, trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, tỉnh ta thiếu sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thị trường đầu ra không ổn định nên việc mở rộng phát triển cây dược liệu còn khó khăn”.

Năm 2006, Công ty Cổ phần Dược liệu Bảo Long (huyện Sìn Hồ) đầu tư quy hoạch trên 10ha cây dược liệu sẵn có ở địa phương như: actisô, đương quy, độc hoạt. Đồng thời, xây dựng xưởng sơ chế dược liệu. Chỉ sau hơn 3 năm hoạt động, Công ty đã ngừng hoạt động. Từ đó, người dân tự thu hoạch dược liệu sơ chế thô, bán cho các tư thương thu gom cung cấp cho thị trường trong nước và bán sang nước bạn Trung Quốc. Vùng dược liệu huyện không phát huy hiệu quả, trong khi bà con thường xuyên bị tư thương ép giá bán dược liệu sơ chế thô. Từ năm 2019 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hà Sơn thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây actiso với quy mô 15 ha của hơn 60 hộ dân các xã Sà Dề Phìn, Phăng Sô Lin và thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ). Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa, lá, thân và rễ atiso của bà con với giá ổn định. Vừa qua, Công ty đưa ra thị trường lô sản phẩm cao atiso đầu tiên với hoạt tính giúp giải độc, mát gan, ngăn ngừa sỏi mật, hạ huyết áp, giảm buồn nôn. Sản phẩm cao actiso của Công ty được khách hàng đánh giá chất lượng tốt. Anh Đào Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hà Sơn tâm sự: “Hiện nay, Công ty tôi đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cao actiso. Tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi nâng cao chất lượng sản phẩm cao actiso đến tay người tiêu dung đạt chất lượng cao. Vừa qua, tôi đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cao actiso. Khi có nhãn hiệu chứng nhận, tôi tin sản phẩm cao actiso của Công ty ngày càng tạo uy tín đối với khách hàng”.

Thực tế, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khảo sát, quy hoạch trồng cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng. Tuy nhiên, một bộ phân người dân thu hái không có ý thức bảo tồn, tái sinh, làm suy giảm nghiêm trọng các loại dược liệu quý. Giá dược liệu trên thị trường tỉnh không ổn định, đầu ra của một số sản phẩm bấp bênh. Thời gian tới, các sở, ngành chức năng tỉnh cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về bảo tồn, phát triển cây dược liệu để chữa bệnh. Chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu, nhất là các sản phẩm dược liệu đặc trưng của tỉnh. Như vậy, người dân mới đem lại giá trị kinh tế cao từ cây dược liệu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...