Thứ năm, 25/04/2024, 14:30 [GMT+7]

Phát triển hạ tầng các khu nông nghiệp hàng hóa tập trung

Thứ bảy, 27/06/2020 - 10:38'
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Qua đó, mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa cơ giới hóa vào canh tác; từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi về kết quả của việc đầu tư hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hạ tầng vùng sản xuất phục vụ các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư mở mới 52km đường trục chính, 300km đường nội đồng, 1 cầu cứng. Nhờ đó, giúp Nhân dân đi lại thuận lợi, mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa vào canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và từng bước cải thiện khả năng cạnh tranh, thu nhập của nông dân trồng lúa đạt bình quân 68 triệu đồng/ha/2 vụ và trồng chè đạt 65 triệu đồng/ha”.
Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh đạt 29.625ha, trong đó vùng lúa hàng hóa 2.565ha tại 3 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường; hiện đã có chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm gạo séng cù Than Uyên, nhãn hiệu gạo khẩu ký, nếp tan Co Giàng của huyện Tân Uyên. Tổng diện tích vùng chè ước năm 2020 đạt 7.570ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 4.705ha, năng suất đạt 74,4 tạ/ha, sản lượng 35 nghìn tấn; chè hiện có 2 nhãn hiệu sản phẩm “Chè Tam Đường” và “Chè Tân Uyên” được cấp bằng bảo hộ.

Nhờ  nâng cấp đường đất lên đường bêtông đã tạo thuận lợi cho bà con bản Tèn Cò Mư (xã Ta Gia, huyện Than Uyên) vào khu sản xuất nông nghiệp.

Nhờ nâng cấp đường đất lên đường bêtông đã tạo thuận lợi cho bà con bản Tèn Cò Mư (xã Ta Gia, huyện Than Uyên) vào khu sản xuất nông nghiệp.

Để đầu tư hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tỉnh ban hành Đề án “Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020” với nguồn vốn thực hiện 256,480 tỷ đồng (ước hết năm 2020 đạt 251,344 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 131,956 tỷ đồng, Nhân dân góp 13,326 tỷ đồng, nguồn vốn khác 106,062 tỷ đồng). Các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh huy động được 13,326 tỷ đồng từ việc đóng góp của người dân, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu khu sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, Nhân dân hiến 163,3ha đất và hàng nghìn ngày công lao động cùng nhiều vật liệu tại chỗ.
Từ các nguồn vốn, tỉnh đầu tư mở mới và nâng cấp 4km đường trục chính hạ tầng vùng lúa theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B; 32,81km đường nội đồng vùng lúa. Thực hiện đầu tư 1 cầu cứng mới ở Mít Nọi - Pắc Ta (huyện Tân Uyên) dài 30m từ nguồn vốn tái định cư. Do được đầu tư cơ sở hạ tầng vùng lúa, Nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng lúa hằng năm tăng bình quân 4.300 tấn. Đối với hạ tầng vùng chè, dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư mở mới và nâng cấp được 48km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B; 267,83km đường nội đồng. Nhờ đầu tư đường nội đồng, đường giao thông vùng chè giúp việc canh tác, vận chuyển phân bón, sản phẩm; giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức, nhờ đó tăng thêm thu nhập.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ các công trình sau đầu tư. UBND huyện, thành phố rà soát kiện toàn Ban quản lý, tổ quản lý vận hành các công trình thủy lợi, giao thông và tổ chức tập huấn cho bà con vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi. Từ đó, trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng hoạt động giúp thành viên Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn bản thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình đường nội đồng nhằm tăng tuổi thọ công trình phục vụ lợi ích Nhân dân.
Huyện Than Uyên hiện có 1.275ha lúa và 1.342ha chè, trong đó 100ha chè kinh doanh. Trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã liên doanh liên kết với người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm lúa và 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm chè. ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Ngoài việc vận dụng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng dành nguồn ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó có 3km đường giao thông nội đồng vùng chè xã Mường Cang 1 tỷ đồng (Nhân dân góp 1 trăm triệu đồng, 900 triệu đồng ngân sách huyện). Huyện cũng vận động người dân tham gia góp ngày công lao động, bằng tiền, vật liệu tại chỗ, hiến 60ha đất để xây dựng hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Nhờ quan tâm, chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đã thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...