Thứ bảy, 20/04/2024, 02:25 [GMT+7]

Phát triển hạ tầng thiết yếu khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thứ sáu, 17/05/2019 - 17:52'
(BLC) - Cùng với chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Than Uyên quan tâm dành các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa tập trung. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ và cơ giới hóa trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản.

Thời điểm này, nông dân các xã dọc quốc lộ 32 từ Phúc Than đến Mường Kim đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Nhờ được đầu tư nâng cấp đường nội đồng, bà con thu hoạch, vận chuyển lúa nhanh chóng. Cùng với đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi được kiên cố hóa cung cấp nước tưới, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ đông xuân năm nay, trên các cánh đồng mẫu lớn của huyện được sản xuất nhiều giống lúa cho năng suất, sản lượng cao. 

Các tiểu vùng trồng chè: Mường Kim - Tà Mung, Phúc Than, Ta Gia, Khoen On, Tà Hừa cũng được đầu tư đường nội đồng, bà con dễ dàng đi lại, vận chuyển phân bón, đưa cơ giới vào chăm sóc chè. Ông Hà Văn Ban ở bản Là 2, xã Mường Kim tâm sự: “Từ chủ trương của tỉnh, huyện đưa cây chè vào canh tác tại bản, gia đình tôi đăng ký trồng gần 1ha. Đường nội đồng được đầu tư mở rộng nên các công đoạn trồng, chăm sóc chè được rút ngắn thời gian, giảm công sức. Hy vọng, cây chè sẽ phát triển tốt mang lại thu nhập cho gia đình tôi cũng như bà con trong bản”.

Cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện cùng xã Mường Cang kiểm tra đường nội đồng vùng lúa

Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cùng xã Mường Cang kiểm tra đường nội đồng vùng sản xuất lúa.

Hiện nay, toàn huyện có 4.691ha lúa, trong đó diện tích lúa hàng hóa tập trung 1.060ha với cơ cấu giống chủ yếu là lúa thuần chất lượng cao: séng cù, DS1, J02 tập trung tại xã: Mường Than, Phúc Than, Hua Nà, Mường Cang. Về cây chè, toàn huyện trồng mới 723,8ha, nâng diện tích toàn huyện lên 823,8ha (chè kinh doanh 100ha), trong đó tiểu vùng chè Phúc Than và các xã lân cận với diện tích 319ha; tiểu vùng Tà Mung và xã lân cận 309ha.

Huyện Than Uyên đã vận dụng linh hoạt các nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và kinh phí của địa phương đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020. Vận động Nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp. Cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước 116,5338 tỷ đồng, Nhân dân, doanh nghiệp đóng góp trên 1,400 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu khu sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, đường giao thông nội đồng 82,862 tỷ đồng, thủy lợi 30 tỷ đồng, hệ thống điện nhà máy chế biến gạo 2,290 tỷ đồng, nhà máy chế biến chè 1,385 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn đầu tư, huyện dành nâng cấp, mở mới các tuyến đường nội đồng vùng lúa, đồng thời cải tạo, mở mới 46/55km đường nội đồng vùng chè. Đầu tư nâng cấp 10,3km kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 625ha lúa. Qua đó, hệ thống hạ tầng thiết yếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được hình thành.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên cho biết: “Phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Phối hợp với xã tổ chức họp bản lấy ý kiến Nhân dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, quá trình thực hiện đảm bảo công bằng, khách quan, được Nhân dân ủng hộ bằng hiến đất. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phục vụ tốt nhất sản xuất của Nhân dân”.

Huyện cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn Nhân dân sử dụng, khai thác tối đa công năng và bảo vệ các công trình thủy lợi, giao thông sau đầu tư. Rà soát, kiện toàn ban quản lý, tổ quản lý vận hành công trình thủy lợi, giao thông và tổ chức tập huấn cho người dân kiến thức vận hành và bảo vệ công trình. Đối với các tuyến đường giao thông nội đồng, các xã giao cho thôn, bản quản lý và sửa chữa, đồng thời cắm biển hạn chế tải trọng để đảm bảo an toàn cho công trình.

Với sự đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của huyện Than Uyên đã tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa, đầu tư thâm canh các loại cây trồng, đưa cơ giới, giống cây trồng mới vào sản xuất; nâng cao trình độ cho nông dân về sản xuất thâm canh, phát triển lúa, chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm. 

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...