Thứ bảy, 20/04/2024, 19:48 [GMT+7]

Phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ hai, 17/08/2020 - 09:57'
Hội Nông dân huyện Tân Uyên có tổng số 8.010 hội viên tham gia sinh hoạt tại 127 chi hội cơ sở. Với nhiều cách làm sáng tạo, hội viên, nông dân từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Một trong những yếu tố tạo hiệu ứng rộng, khuyến khích hội viên vươn lên phát triển kinh tế là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ông Đỗ Đình Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên cho biết: Phong trào có tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trước đây, nông dân chỉ tập trung gieo trồng các giống lúa, ngô lai có năng suất cao, tuy nhiên giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích thấp. Đến nay, nhiều hộ quan tâm sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao như gieo cấy lúa khẩu ký, séng cù, nếp co giàng; chuyển diện tích trồng cây màu không hiệu quả sang trồng chè, mắc-ca, ổi, nhãn, bưởi. Một số nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đổi mới cách làm ăn, điển hình như hội viên Phạm Thị Dần (Chi hội Thanh Sơn, Hội Nông dân xã Pắc Ta) với mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm; Từ Thị Nhinh (Chi hội 3, Hội Nông dân thị trấn) với mô hình kinh doanh vật tư nông nghiệp; Phan Đức Vinh - Chi hội 5 (Hội Nông dân thị trấn) với mô hình kinh tế tổng hợp. ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như Hợp tác xã Phúc Khoa, Hợp tác xã Việt Hoàng (xã Pắc Ta), Doanh nghiệp Tư nhân Đức Hạnh (thị trấn Tân Uyên)…
Năm 2009, thực hiện Dự án trồng chè 327, gia đình anh Đoàn Văn Kiên (Chi hội 5, Hội Nông dân thị trấn) mạnh dạn vay vốn, khai phá diện tích đất đồi trồng 1ha chè. Quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cây chè phát triển tốt, chỉ sau 2 năm bắt đầu cho thu hoạch và đến nay đạt sản lượng trung bình trên 10 tấn chè búp tươi/năm. Giảm chi phí phân bón cho cây chè và tăng nguồn thu, gia đình kết hợp chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò vỗ béo. Anh chủ động nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật từ các phương tiện thông tin đại chúng; cán bộ thú y, khuyến nông của thị trấn, huyện; lớp tập huấn về “Nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và điện thoại thông minh” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Anh Kiên chia sẻ: Để đàn vật nuôi phát triển mạnh, yếu tố quan trọng nhất là lựa chọn kỹ đầu vào đến quy mô chuồng trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát, có hệ thống xử lý chất thải và thức ăn đủ lượng, chất. Hiện, tôi đầu tư khu trang trại khép kín nuôi lợn, bò, dê để bán con giống và giết mổ làm xúc xích, giò chả, thịt sấy (ưu tiên hàng đầu về tiêu chí sạch và an toàn thực phẩm). Mô hình kinh tế của gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương”.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện, xã thăm mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình anh Đoàn Văn Kiên (Chi hội 5, Hội Nông dân thị trấn Tân Uyên).

Cùng với xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội Nông dân huyện còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ đội nghề nghiệp. 6 tháng đầu năm nay, Huyện hội thành lập 5 tổ hợp tác, trong đó 2 tổ hợp tác “Trồng, chăm sóc lúa nếp co giàng”, 3 tổ hợp tác “Thu mua chè sạch” tại xã Pắc Ta. Trước đó, năm 2019, vận động hội viên duy trì tổ hợp tác “Trồng, chăm sóc chè” tại bản Chạm Cả (thị trấn Tân Uyên); thành lập mới 2 tổ hợp tác: “Trồng dưa hấu” tại bản Nậm Bon II (xã Phúc Khoa); “Nuôi thỏ” ở bản Hua Puông, Nà Phát (xã Nậm Cần).
Thông qua các các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề do Hội Nông dân huyện triển khai, hội viên, nông dân có thêm động lực, điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, đã có 19 hộ hội viên xã Mường Khoa, Trung Đồng, Pắc Ta được vay 1,1 tỷ đồng thông qua 4 dự án: “Chăn nuôi bò sinh sản”, “Trồng, chăm sóc chè”, “Nuôi cá lồng trên Thủy điện Bản Chát”. Hàng nghìn hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. 118 hộ hội viên tham gia mô hình ghép cải tạo nhãn, lúa chất lượng, lợn địa phương do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai. Duy trì 7 câu lạc bộ “Nông dân với Internet” với 175 thành viên, hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hội viên nông dân đã góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển bền vững. Minh chứng là mặc dù những tháng đầu năm nay, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh nhưng các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện vẫn đạt kết quả cao. Trong đó, sản lượng ngô vụ xuân hè đạt 4.718,4 tấn; chè búp tươi đạt 12.000 tấn. 30,1ha chanh leo cho thu hoạch khoảng 25 tấn và được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, các hộ dân thu mua nhỏ lẻ với giá 12.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng; 17ha chuối trồng tập trung tại xã Pắc Ta đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng đàn gia súc, gia cầm 230.657 con; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 132ha, sản lượng ước đạt 280 tấn. Đặc biệt, toàn huyện có 147 lồng cá (thể tích 17.460m3) nuôi các giống cá như: trắm, rô phi đơn tính, chép và một số loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, bống... Và, con số 590 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2019; năm 2020 có 657 hộ đăng ký thêm khẳng định rõ nét điều đó.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...