Thứ sáu, 29/03/2024, 08:10 [GMT+7]

Phát triển sản phẩm OCOP - Nâng cao giá trị nông sản

Thứ hai, 05/06/2023 - 14:31'
(BLC) - Với tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp, cùng chính sách của Nhà nước, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giúp huyện Tam Đường nâng cao giá trị nông sản. Từ đó, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp huyện ngày càng khởi sắc.

Tam Đường là huyện có khí hậu ôn đới, thuận lợi cho nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, tiêu thụ. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện đã có 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực tăng doanh thu từ 10 - 30%/năm như: miến dong, chanh leo; chẩm chéo và chuối tươi. Các chủ thể tích cực mở rộng quy mô, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị sản phẩm ngày càng gia tăng theo từng năm. Đồng thời, chủ động quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng.

Hiện, sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương, nhất là các sản phẩm đặc sản vùng miền. Các chủ thể đã chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sản phẩm “Lê Tam Đường đặc sản Lai Châu” đang vào vụ thu hoạch đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ của UBND huyện Tam Đường.

Sản phẩm “Lê Tam Đường đặc sản Lai Châu” đang vào vụ thu hoạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ của UBND huyện Tam Đường.

Một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Tam Đường không thể không nhắc đến miến dong Bình Lư ra đời cách đây hàng chục năm. Hiện, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ (NN&DV) Bình Lư tiếp nối nghề truyền thống với sản phẩm miến dong OCOP 3 sao. Miến dong được chế biến từ củ dong giềng trồng trên đất Tam Đường. HTX ký kết, bao tiêu sản phẩm củ dong giềng, sản xuất miến dong theo công thức gia truyền và phơi trực tiếp dưới nắng với phương pháp thủ công. Năm 2020, miến dong HTX NN&DV Bình Lư được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa miến dong HTX NN&DV Bình Lư đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hiện nay, HTX NN&DV Bình Lư còn giới thiệu sản phẩm miến dong trên zalo, facebook của các công ty, doanh nghiệp du lịch trong nước để vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Năm 2023, HTX đề nghị các cấp trong tỉnh nâng hạng sản phẩm miến dong từ 3 sao lên 4 sao.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX NN&DV Bình Lư cho biết: “Ngay sau khi HTX NN&DV Bình Lư được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm miến dong OCOP 3 sao, nhiều khách hàng tiềm năng đã gọi điện thoại đặt mua miến dong. Từ đó, HTX tăng dần sản lượng cung cấp cho thị trường từ 200 - 300 tấn miến dong/năm, tăng 30%/năm. Trên bao bì sản phẩm miến dong của HTX có mã vạch trích xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói, nâng giá trị sản phẩm hơn so với hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư cán, ép sợi miến dong.

Hay như, sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ của hộ kinh doanh Mùng Thị Lệ tại bản Sân Bay (thị trấn Tam Đường) đạt OCOP 3 sao năm 2021, ngày càng nhiều khách hàng trong nước biết đến bởi hương vị đặc trưng vùng Tây Bắc, mẫu mã đẹp, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi tháng, gia đình chị bán ra thị trường trên 8.000 hộp chẩm chéo. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị bán với số lượng lớn, trên 10.000 hộp cho khách hàng trong nước. Chẩm chéo Lực Lệ được sản xuất từ nhiều nguyên liệu, mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, Giáy như: sả, ớt, hạt dổi, muối, mắc khén, lá chanh. Sản phẩm chẩm chéo Lực Lệ có 3 loại (thường, đặc biệt và ướt), được sản xuất cầu kỳ, qua nhiều công đoạn, dùng làm gia vị, ướp các món nướng, tạo nên món ăn ngon, hấp dẫn.

Để nâng cao giá trị nông sản, thời gian qua, UBND huyện đã hoàn tất thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu cho 3 sản phẩm “Mận Tam Đường đặc sản Lai Châu”, “Lê Tam Đường đặc sản Lai Châu” và “Đào Tam Đường đặc sản Lai Châu”. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận đơn hợp lệ của UBND huyện Tam Đường. Việc triển khai, thực hiện hiệu quả nhãn hiệu, sản phẩm OCOP tại huyện nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đổi mới tư duy sản xuất, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nhắc đến sản phẩm OCOP huyện Tam Đường, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường khẳng định: “Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất hiểu lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế sau khi tạo ra những sản phẩm OCOP cho năng suất cao, chất lượng tốt. Huyện tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương gắn với phát triển du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Có thể khẳng định, việc xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm OCOP tạo uy tín đối với người tiêu dùng. Vì vậy, thời gian tới, huyện Tam Đường tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...