Thứ sáu, 19/04/2024, 17:02 [GMT+7]

Tà Mung bát ngát nương chè

Chủ nhật, 22/01/2023 - 14:36'
(BLC) - Đưa chè vào sản xuất theo hướng hàng hóa đã thay đổi tập quán canh tác, giúp bà con một số bản ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên) nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Đưa cây chè vào sản xuất trên diện rộng, người dân xã Tà Mung (huyện Than Uyên) tìm được hướng đi mới rời xa bến đói nghèo. Cùng với những cây trồng truyền thống khác, hiệu quả kinh tế từ cây chè đang giúp đời sống người dân vượt khó vươn lên làm giàu. Nỗ lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tái cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp giúp “tam nông” ở xã vùng cao Tà Mung ngày càng khởi sắc.

Người dân bản Đán Tọ (xã Tà Mung) chăm sóc chè. 

Phần lớn diện tích của xã nằm trong tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây chè và một số giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu mát lạnh nơi núi cao: sa nhân, thảo qủa, sơn tra và trồng khảo nghiệm chè. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Đưa cây chè vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa mới thực sự mở ra hướng đi mới cho người dân nơi rẻo cao này. Tới thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 310ha chè, chủ yếu là chè Tuyết Shan và PH 8. Trong đó, 175ha đã cho thu hái, năng suất bình quân năm 2022 ước đạt 5,7 tấn/ha. Các bản: Tu San, Hô Ta, Đán Tọ, Nậm Mở… trở thành vùng trọng điểm trồng chè của xã.

Sống ở núi cao, những năm trước đây, trong tập quán canh tác người dân Tà Mùng chỉ biết tới lúa, ngô rồi trồng thêm thảo quả, sa nhân. Ngoài ra, các hộ cũng chăn nuôi theo mô hình kinh tế của các hộ gia đình. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến cho đói nghèo mãi bủa vây. Việc đưa cây chè vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đã tạo bước đột phá trong tư duy về sản xuất. Đồng thời ghi dấu sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo, phối hợp giữa địa phương với các phòng, ban chuyên môn, tổ chức đoàn thể.

Ngược núi, chúng tôi lên Tà Mung để tìm hiểu rõ hơn về sức sống của cây chè nơi rẻo cao, đất dốc. Từ năm 2017, cây chè đã bắt đầu bén duyên với nơi đây. Những nương chè xanh mướt, mang lại nguồn thu cho bà con nơi đây còn ẩn chứa bao câu chuyện thú vị. Nhưng mấy ai còn nhớ, cây chè từng hoàn toàn xa lạ với tập quán canh tác của bà con nơi đây, để đưa vào sản xuất đại trà, cấp ủy, chính quyền địa phương không ngại bỏ công sức phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn mở hàng loạt các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè. Cùng với đó, huyện cũng tổ chức nhiều đoàn đi học tập kinh nghiệm chăm sóc chè ở các vùng chè nguyên liệu trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó là lối canh tác xen canh, trong giai đoạn chè kiến thiết, bà con từng trồng xen ngô, đậu tương… nâng cao hiệu suất sử dụng đất để “lấy ngắn, nuôi dài”. Những lứa ngô, hoa màu được trồng xen canh giúp bà con có thêm nguồn thu trong quá trình chờ thu hoạch chè. Đưa chúng tôi đi thăm những nương, đồi chè trải xanh mướt khắp các triền đồi, ông Phùng Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ thêm để đưa chè lên núi, dân bản đã góp đất làm đường sản xuất, làm ròng rọc kéo để vận chuyển giống, phân bón từ đỉnh đồi Đán Tọ sang Nậm Mở.

Để cây chè bén rễ, nẩy mầm xanh mướt mát trên đất Tà Mung như hôm nay còn có đóng góp không nhỏ của các hộ gia đình đảng viên nơi đây. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, bà con chỉ thực sự tin tưởng khi thấy các hộ gia đình Mùa A Thanh, Hảng A Lử (bản Hô Ta); Mùa A Sang, Mùa A Sua (bản Đán Tọ); Giàng A Tí (bản Nậm Mở) hăng hái chuyển đổi, cải tạo nương ngô, nương sắn, bãi nương bạc màu sang trồng chè. Thời gian thấm thoát qua đi, mới ngày nào thân chè còn lẫn vào cỏ mà giờ đây đã tạo tán, cho thu hoạch. Chè thu hái tới đâu, được thu mua tới đó, bà con thêm phấn khởi, yên tâm và gắn bó với cây chè. Diện tích chè sản xuất cho sản lượng bình quân mỗi năm 6 - 7 tấn, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình.

Chắt chiu tinh túy của đất trời, ẩn mình trong những biển sương mờ xa đã cùng người dân nơi đây xua đi huyền thoại của quá khứ đói nghèo để viết lên bài ca no ấm của người Mông ở Tà Mung. Cây chè đã giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, tăng thêm thu nhập và giúp cho nhịp sống nơi rẻo cao này thêm sinh khí, giàu năng lượng để hòa nhịp phát triển.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...