Thứ tư, 24/04/2024, 06:35 [GMT+7]

Tam Đường kịp thời chữa trị bệnh dầu loang trên cây chanh leo

Thứ sáu, 28/08/2020 - 14:26'
(BLC) - Hiện nay, một số diện tích cây chanh leo trên địa bàn các xã: Khun Há, Bản Bo, thị trấn Tam Đường… (huyện Tam Đường) đang phải đối mặt với bệnh dầu loang. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Những năm gần đây, chanh leo được huyện Tam Đường đưa vào trồng theo chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Tuy nhiên, thời điểm này một số diện tích cây chanh leo trên địa bàn các xã: Khun Há, Bản Bo, thị trấn Tam Đường... đang phải đối mặt với bệnh dầu loang. Bệnh dầu loang (bệnh đốm dầu vi khuẩn) gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, biểu hiện bệnh rõ nhất là trên quả, bệnh nặng làm cho quả chanh leo rụng hàng loạt, khiến người trồng chanh leo thất thu.

người dân bản nậm phát

Bệnh dầu loang khiến cho chanh leo ở bản Nậm Phát, xã Bản Bo bị rụng hàng loạt.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh dầu loang là do mưa nhiều, độ ẩm cao. Những ngày qua trên địa bàn huyện Tam Đường thường xuyên xảy ra mưa lớn, kéo dài, độ ẩm quá lớn khiến cây chanh leo bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh dầu loang do một loài vi khuẩn có tên khoa học Pseudomonas passiflorae gây ra, bệnh gây hại hầu hết các bộ phận của cây chanh dây từ thân, lá và trái. Mức độ nhiễm bệnh và lây lan bệnh thành dịch phụ thuộc vào chất đất, khả năng thoát nước sau mưa và kỹ thuật bón phân cho cây chanh dây. Dịch bệnh phát triển mạnh tập trung vào tháng 6 - 8, do lượng mưa quá nhiều, mưa nắng xen kẽ nhau.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi trở lại thăm vườn chanh leo của gia đình anh Hảng A Phình ở bản Nậm Phát, xã Bản Bo. Trái ngược với hình ảnh giàn chanh leo xanh tốt, quả sai trĩu là hình ảnh những trái chanh leo đốm vàng, rụng khắp vườn. Năm nay là năm đầu tiên gia đình anh Phình trồng thử nghiệm chanh leo, gia đình anh được hỗ trợ giống, phân bón, làm giàn, hướng dẫn kĩ thuật… Sau một vài tháng trồng và chăm sóc, cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt, ra nhiều quả.

Nhặt những trái chanh leo vừa mới rụng lên tay, anh Hảng A Phình (bản Nậm Phát) buồn bã nói: “Nửa tháng trở lại đây, thời tiết mưa nhiều khiến cây chanh leo bị bệnh, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn gia đình tôi đã mua thuốc về chữa nhưng không đem lại hiệu quả. Tôi và các gia đình có diện tích chanh leo bị bệnh đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngay sau đó, các cơ quan chuyên môn của huyện, xã tới kiểm tra và phát thuốc điều trị bệnh. Trước khi phun thuốc, gia đình tôi tiến hành cắt tỉa vết bệnh (thân, lá, quả), thu gom toàn bộ các cành, lá, quả bị bệnh đưa ra khỏi vườn, đặc biệt chỉ cắt tỉa cành bị bệnh khi trời nắng, tạnh, tuyệt đối không cắt cành khi trời mưa để tránh dịch bệnh lây lan. Sau đó, gia đình tôi tiến hành rắc vôi bột xử lý nền đất và phun thuốc đặc hiệu. Đến nay, dịch bệnh cũng giảm dần, tôi vẫn tiếp tục thực hiện đúng các quy trình kĩ thuật phòng trừ dịch bệnh để bảo vệ và chăm sóc tốt nhất cho giàn chanh leo”.

Cùng với gia đình anh Phình, gia đình anh Sùng A Chì ở bản Ma Sao Phìn Thấp, xã Khun Há cũng là một trong số những hộ bị thiệt hại từ bệnh dầu loang ở cây chanh leo. Anh Sùng A Chì cho biết: “Tháng 3/2020, gia đình tôi trồng thử nghiệm 7.000m2 chanh leo, sau một thời gian cây phát triển tốt, cho quả nhiều. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, gia đình tôi tuân thủ đúng các yêu cầu kĩ thuật từ cách đào hố, bón lót, trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây chanh leo. Để phòng bệnh dầu loang, gia đình tôi tiến hành phun thuốc 1 tháng 1 lần, nhưng tới thời điểm mùa mưa, khi có dấu hiệu của dịch bệnh gia đình tôi phun thuốc 1 tháng 2 lần. Nhưng lượng mưa quá lớn, khi vừa phun xong trời lại mưa nên thuốc không phát huy tác dụng. Hiện 80% diện tích chanh leo bị nhiễm bệnh. Bệnh dầu loang lây lan rất nhanh, vừa qua, gia đình tôi đã cắt tỉa xong những lá, cành, quả bị bệnh và tranh thủ thời tiết nắng để phun thuốc đặc hiệu do công ty cấp để kịp thời phòng trừ dịch bệnh”.

Để nhanh chóng phòng trừ bệnh dầu loang trên cây chanh leo, sau khi nắm được thông tin từ các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tiến hành rà soát, điều tra, đánh giá về mức độ của bệnh, từ đó đưa ra những phương án xử lý, kịp thời phòng trừ dịch bệnh. Công ty đã cử cán bộ kĩ thuật cùng với cơ quan chuyên môn của huyện xuống các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách cắt tỉa vết bệnh, sau khi cắt tỉa xong phải thu gom toàn bộ lá, cành, quả bị bệnh ra khỏi vườn, rắc vôi bột khử trùng. Đồng thời, phun thuốc điều trị bệnh gồm có 3 loại thuốc: miksabe 100WP, cylatha, ngư ông đắc lợi. Đặc biệt, hướng dẫn người dân chỉ phun khi trời tạnh, phun nhắc lại từ 3 – 5 ngày.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Năm nay, huyện Tam Đường trồng 17,1ha chanh leo, hiện nay có 2,1ha chanh leo tại các xã :Khun Há, Bản Bo, thị trấn Tam Đường… bị mắc bệnh dầu loang. Để kịp thời chữa trị bệnh dầu loang trên cây chanh leo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Công ty Nafoods, cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực cùng người dân kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...