Thứ bảy, 20/04/2024, 16:11 [GMT+7]

Tam Đường phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thứ tư, 17/07/2019 - 17:20'
(BLC) - Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Tam Đường từng bước nâng lên nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hiện đại.

Trở lại xã Nà Tăm một ngày giữa tháng 7, chúng tôi bất ngờ với vùng quê nghèo trước đây đã "thay áo mới". Các tuyến giao thông liên bản, nội bản được bê tông vào tận ngõ của từng gia đình. Nhiều ngôi nhà xây khang trang, dưới ruộng, trên nương, lúa, chè xanh ngát. Hệ thống điện chiếu sáng nông thôn được các hộ dân đóng góp tiền, công lắp đặt trên trục đường nội bản sáng suốt đêm. Anh Lò Văn Chăn ở bản Nà Hiềng tâm sự: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi vất vả do chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, ít có sản phẩm nông nghiệp bán. Năm 2015, xã hướng dẫn gia đình tôi chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng 2ha chè kim tuyên. Giao thông thuận lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường vào tận bản thu mua chè búp, chúng tôi có thêm động lực đầu tư, chăm sóc cây chè. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hơn 20 triệu đồng tiền bán chè búp tươi (đã trừ chi phí)”.

Nông dân bản Nà Hiềng (xã Nà Tăm) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thu hái chè búp tươi.

Được biết, xã Nà Tăm có thế mạnh đất đai rộng, tuy nhiên trước đây, bà con gieo trồng ngô, lúa giống địa phương nên năng suất thấp, đời sống khó khăn. Năm 2015, Nà Tăm là một trong những xã trọng điểm được huyện Tam Đường quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè. UBND xã vận động bà con chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao. Đến nay, xã có 97,6ha chè, trong đó 53,4ha chè kiến thiết cơ bản, 34,2ha chè kinh doanh, năng suất 40 tạ/ha, sản lượng đạt 136,8 tấn/năm. Hiện, xã đang chỉ đạo bà con trồng mới 20ha chè. Nhờ chăm sóc và thu hái đúng quy trình, kỹ thuật góp phần nâng cao sản lượng chè búp, nâng cao thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm 8,76% (đạt 115% kế hoạch).

Tại xã Sơn Bình, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tạo động lực cho nông dân đổi thay nhận thức, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, bà con chuyển đổi 100% giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất thay cho giống lúa địa phương trước đây, trong đó có giống lúa chịu hạn tốt, năng suất cao như: séng cù, DS1, hương thơm. Cơ giới hóa trong khâu làm đất, chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thâm canh tăng từ 1 vụ lúa lên 2 vụ/năm. Bà con cũng chú trọng công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới. Nhiều hộ ở bản Chu Va 12 có thu nhập hơn 20 triệu đồng/hộ/năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm, xã giảm từ 5 - 6% hộ nghèo.

Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND huyện Tam Đường chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Giao chỉ tiêu phát triển nông nghiệp tới các xã, thị trấn, vận động, khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, thị trường tiêu dùng. Bà con mạnh dạn thí điểm một số mô hình như: ngô, lúa giống mới, cây ăn quả: lê, đào, cam. Xây dựng vùng sản xuất lúa, chè chất lượng cao; quan tâm sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện tốt công tác khuyến nông, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, toàn huyện có 9.675ha cây lương thực (tăng 654ha so năm 2014); sản lượng lương thực đạt 43.050 tấn. Huyện còn lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng. Khuyến khích tập thể, cá nhân tham gia xây dựng và quản lý các công trình điện, nước, giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn. Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương khởi sắc

Anh Hoàng Đình Quân - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường nhấn mạnh: Phòng NN&PTNT huyện triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp người dân có điều kiện sản xuất và ổn định việc làm nhằm cải thiện, tăng nhanh thu nhập gia đình. Vận động bà con phát triển vùng sản xuất chè, lúa hàng hóa tập trung; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp huyện phát triển khá theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...