Thứ sáu, 19/04/2024, 13:22 [GMT+7]

Tam Đường vươn mình nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ ba, 24/01/2023 - 15:34'
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại “làn gió mới” cho huyện Tam Đường. Từ một huyện khó khăn, đời sống của Nhân dân trên địa bàn còn nhiều thiếu thốn, Tam Đường hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, ruộng đồng xanh tốt, kinh tế có bước tăng trưởng khá, trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, có quốc lộ 4D và 32 chạy qua, nối thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) với thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Với địa hình thuận lợi cùng với diện tích đất nông nghiệp rộng, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ là những tiềm năng, thế mạnh để huyện phát triển nông nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, huyện Tam Đường cụ thể hóa nghị quyết, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, lựa chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất như: Chanh leo, dong riềng, chè, rau màu…

Đồng chí Sùng Lử Páo - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (thứ 3 từ trái sang) cùng cơ quan chuyên môn, lãnh đạo xã Sơn Bình tham quan mô hình trồng chanh leo của người dân bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình).

Những năm qua, để giúp người dân trên địa bàn giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, huyện Tam Đường đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè. Sau nhiều năm bén rẽ trên đất Tam Đường, cây chè đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương. Những sườn đồi trơ sỏi đá trước đây đã được thay thế bằng những nương chè xanh ngát, trải dài ngút tầm mắt. Nhờ trồng chè, bộ mặt nông thôn các xã: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường đã từng ngày khởi sắc, người dân có cuộc sống ấm no. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 2.100,2ha, với các giống chè: Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8. Trong đó, chè kinh doanh 1.445ha, sản lượng chè búp tươi 13.000 tấn. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.

Nhờ trồng dong riềng người dân có thu nhập cao.

Cùng với cây chè, những năm trở lại đây, thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả chanh leo, huyện Tam Đường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân các xã, thị trấn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Giống chanh leo được huyện lựa chọn là giống Đài Nông 1, ưu điểm là cây sinh trưởng mạnh, lớn nhanh, kháng bệnh tốt, quả to, có hương vị thơm, ngon. Hiện, huyện đang phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc và Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao liên kết với các hộ dân để sản xuất, tiêu thụ quả chanh leo. Đến nay, toàn huyện có 96,96ha (riêng năm 2022 trồng mới 70,89ha) chanh leo, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. 2 năm trở lại đây, cây chanh leo đã khẳng định được giá trị kinh tế trên đồng đất của huyện Tam Đường. Nhờ trồng chanh leo nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ lâu, sản phẩm miến dong Bình Lư đã trở thành mặt hàng quen thuộc, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Để cung cấp đủ nguyên liệu cho 3 làng nghề sản xuất miến dong trên địa bàn xã Bình Lư, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát những diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây dong riềng. Với những ưu điểm: dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, chủ trương trồng dong riềng đã nhận được sự đồng thuận cao, bà con tích cực mở rộng diện tích. Vụ dong riềng năm nay, huyện Tam Đường trồng 280,5ha (đạt 158,4%) kế hoạch, sản lượng đạt 16.830 tấn. Dong riềng đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần giảm hộ nghèo bền vững của huyện Tam Đường.

Người dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) thu hoạch chè bằng máy.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Với những chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, sáng tạo đã giúp cho Tam Đường thu được “trái ngọt”, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2022. Những thành tích đó chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tiếp tục gặt hái được nhiều thành công chào mừng một mùa xuân mới - xuân Quý Mão năm 2023.

Sùng Lử Páo - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...