Thứ ba, 23/04/2024, 15:16 [GMT+7]

Than Uyên phát triển cây mắc-ca

Thứ hai, 26/04/2021 - 15:04'
Thực hiện Đề án khuyến khích phát triển cây mắc-ca tập trung trên địa bàn tỉnh, đến năm 2021, huyện Than Uyên đã trồng và phát triển được 933,48ha cây mắc-ca theo hình thức trồng thuần, trồng xen chè. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc-ca nơi đây sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích trồng đã ra hoa và cho quả bói, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Thời điểm này, gia đình ông Lò Văn Thương, bản Vi đang tích cực chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành tạo tán cho cây mắc-ca. Được biết, gia đình ông Thương có 51 cây mắc-ca trồng xen với 5.000m2 chè. Khi trồng mắc-ca xen chè không ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhau mà quá trình chăm sóc cũng không khó khăn; mắc-ca xen chè còn mang lại nhiều lợi ích che bóng mát, cỏ ít mà mang lại thêm khoản thu nhập tương đối cao. Theo tính toán, mỗi héc-ta chè thu lãi 40 triệu đồng/ha và trồng mắc-ca xen thêm vào có tổng thu nhập trên 60 triệu đồng.
Ông Thương tâm sự: “Gia đình tôi trồng mắc-ca xen với chè từ năm 2018, hiện cây đang phát triển tốt. Cùng với việc thu hái chè, tôi chú ý đến việc tạo tán cho cây bởi đây là công đoạn quan trọng giúp cây có bộ tán phát triển đều, cân đối quyết định năng suất và sự sinh trưởng phát triển của cây. Mong muốn sau này mắc-ca thu hoạch sẽ được doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm; đồng thời Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ về giống, phân bón để trồng xen chè”.

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Mường Kim kiểm tra diện tích cây mắc-ca trồng xen chè tại bản Nà Then.

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Mường Kim kiểm tra diện tích cây mắc-ca trồng xen chè tại bản Nà Then.

Thực hiện chủ trương trồng và phát triển mắc-ca, trên địa bàn xã Mường Kim có 92,16ha mắc-ca trồng xen chè từ năm 2018. Là loại cây trồng mới nên thời điểm khi triển khai, địa phương phối hợp với cán bộ chuyên môn huyện xuống từng hộ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Xã cũng mong muốn cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân về kỹ thuật cắt tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu bệnh hại.
Anh Lê Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho rằng, cây mắc-ca trồng ở đây rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Cây mắc-ca là cây trồng mới, hy vọng thời gian tới loại cây này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện Đề án khuyến khích phát triển cây mắc-ca tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2021, từ năm 2018-2020, huyện Than Uyên triển khai trồng được 933,48ha mắc-ca chủ yếu ở các xã: Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu... Trong đó, Nhân dân trồng xen chè 248,51ha, trồng thuần 21,15ha; doanh nghiệp trồng tập trung 663,82ha (Công ty Liên Việt 594ha, Công ty TNHH Him Lam Lai Châu 69,82ha). Qua đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, chính quyền, người dân, diện tích cây mắc-ca trồng tại một số địa phương tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Cây thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích trồng sớm đã ra hoa, có cây bói quả.
Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Hiện, toàn huyện có diện tích đất tự nhiên hơn 79 nghìn hécta, trong đó diện tích đất trồng cây lâm nghiệp chiếm gần 40 nghìn hécta. Qua đánh giá của các chuyên gia thì Than Uyên có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, khô, mát, thuận lợi cho việc trồng và phát triển cây mắc-ca. Do đó, huyện xác định chủ trương phát triển mắc-ca để vừa tăng tỷ lệ che phủ rừng ở vùng đất trống đồi trọc, đồng thời mang lại thu nhập, tạo việc làm, giữ gìn môi trường. Huyện xây dựng kế hoạch phù hợp với bước đi thận trọng dần đưa cây mắc-ca vào phát triển, giúp người dân giảm nghèo, từng bước làm giàu”.
Để người dân nắm rõ chủ trương phát triển cây mắc-ca, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích đất trống, phù hợp; hướng dẫn kỹ thuật cũng như việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích trồng mắc-ca đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến bà con về lợi ích trồng và phát triển mắc-ca. Vận dụng thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ giống, phân bón. Thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư vườn ươm, xây dựng nhà máy, tham gia trồng mắc-ca.
Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết nông sản hàng hóa tập trung của huyện Than Uyên xác định phát triển vùng nguyên liệu mắc-ca với quy mô 2.000ha và xây dựng 1 nhà máy chế biến mắc-ca tại huyện. Riêng kế hoạch năm 2021, huyện triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký trồng mới tại xã Pha Mu (200ha), xã Mường Cang (50ha), xã Mường Mít (50ha). Hiện, các đơn vị đang triển khai công tác xây dựng hồ sơ, chuẩn bị địa bàn (phát thực bì, cuốc hố).
Việc doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến mắc-ca đồng nghĩa với việc bao tiêu sản phẩm giúp doanh nghiệp, người dân yên tâm canh tác, sản xuất. Phát triển cây mắc-ca không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, mà còn khai thác tiềm năng lợi thế, tạo ra sản phẩm chủ lực, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững; giúp người dân tăng thu nhập.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...