Thứ sáu, 29/03/2024, 04:58 [GMT+7]

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục

Chủ nhật, 25/07/2021 - 22:02'
Xác định tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu - bò. Những ngày qua, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thành phố Lai Châu phối hợp với cán bộ thú y các xã, phường tập trung tiêm vắc-xin nhằm giúp các hộ chăn nuôi tránh thiệt hại về kinh tế.

Gia đình bà Phàn Mẩy Nhính (bản Sin Chải, xã Sùng Phài) là một trong những hộ nuôi nhiều trâu, bò nhất bản với số lượng hơn 10 con, thời điểm nhiều nhất 40 con. Khi biết thông tin một số huyện như: Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên… xuất hiện bệnh VDNC trên đàn trâu - bò, bà Nhính rất lo lắng, vì số gia súc trên là tài sản lớn và cũng là kế sinh nhai của cả gia đình. Do đó, khi được cán bộ thú y xã tuyên truyền bà Nhính nhận thức rõ thiệt hại nếu chẳng may vật nuôi mắc bệnh VDNC nên bà thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đến nay, xã Sùng Phài có kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu - bò, bà Nhính tích cực tham gia. Bởi, trong nhiều năm chăn nuôi, bà hiểu rõ được hiệu quả từ việc tiêm vắc-xin phòng bệnh mang lại.

Cán bộ thú y phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) tiêm vắc-xin viêm da nổi cục trên đàn trâu tại bản Tả Xin Chải.

Bà Nhính tâm sự: “Gia đình tôi nuôi trâu, bò được hơn chục năm. Khi chăn nuôi tôi cũng tự tìm hiểu cách phòng, chống dịch bệnh để trâu - bò khỏe mạnh. Thường thì vào mùa đông đàn trâu - bò hay mắc các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng… nên tôi chủ động tiêm phòng trước. Nhưng từ cuối năm 2020 một số đàn trâu - bò trong tỉnh mắc bệnh VDNC. Loại bệnh này nếu không phòng trừ và chữa trị kịp thời thì lây lan rất nhanh dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, khi có lịch tiêm vắc-xin bệnh VDNC tôi cũng yên tâm phần nào. Ngoài ra, để phòng chống bệnh, tôi thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như: bột ngô, bột đậu tương, bã rượu và muối để tạo sức đề kháng cho đàn trâu - bò”.

Thành phố Lai Châu hiện có 1.812 con trâu - bò, tập trung nhiều nhất ở các xã Sùng Phài và San Thàng. Theo kế hoạch của UBND thành phố, việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC phải kết thúc trong tháng 6. Tuy nhiên do gián đoạn nguồn cung vắc-xin, đến thời điểm này Trung tâm DVNN thành phố và các xã, phường mới tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu - bò. Trung tâm DVNN thành phố phối hợp với các xã, phường triển khai tiêm 1.570 liều vắc-xin, phấn đấu đến hết tháng 7 đạt 85% tổng đàn gia súc.

Anh Đào Mạnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu cho biết: Hiện nay, ở thành phố chưa xuất hiện bệnh VDNC trên đàn trâu - bò, song bệnh này rất nguy hiểm, nếu trâu - bò mắc phải bệnh này không được chữa trị kịp thời thì sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, bởi khả năng lây lan nhanh. Bệnh VDNC hay còn gọi là bệnh da sần do virút tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt trong điều kiện môi trường tối, ẩm ướt. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve… khi tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh hoặc sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu - bò mắc bệnh từ 10-20%, tỷ lệ chết khoảng 5%. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú. Khi mắc bệnh trâu - bò có những dấu hiệu sốt cao, suy nhược, gầy yếu và hình thành các nốt sần có đường kính từ 1 - 5cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân. Nếu gia súc có sức đề kháng yếu có thể bị chết.

Hiện nay, bệnh VDNC hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Vì vậy, Trung tâm DVNN thành phố đã cử cán bộ phụ trách công tác thú y tại các xã, phường tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tiêm phòng vắc-xin VDNC cho vật nuôi. Triển khai việc cấp, hướng dẫn quy trình bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm cho cán bộ thú y các xã, phường. Tính đến hết ngày 22/7, thành phố có 4 xã, phường hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin với hơn 600 liều gồm các phường: Đoàn Kết, Tân Phong, Đông Phong và xã San Thàng. Còn lại đang tổ chức tiêm tại xã Sùng Phài và các phường: Quyết Tiến, Quyết Thắng. Ngoài ra, trong quá trình tiêm, cán bộ Trung tâm DVNN thành phố và thú y xã sẽ hướng dẫn người dân cách xử lý các trường hợp trâu - bò bị phản ứng sau tiêm phòng vắc-xin. Đồng thời, tuyên truyền các hộ chăn nuôi không nên thả rông trâu - bò và ăn theo đàn. Định kỳ tẩy giun sán, tiêm phòng đủ các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất. Giám sát chặt chẽ đàn gia súc trong quá trình nuôi để kịp thời phát hiện các loại bệnh. Thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, tiêu diệt các loại vật trung gian truyền bệnh như: ruồi, muỗi, ve và các loại côn trùng hút máu khác trong khu vực chuồng nuôi. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải cách ly và báo ngay chính quyền, cơ quan chức năng.

Với sự quyết liệt trong kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC trên đàn trâu - bò, đến nay, thành phố Lai Châu chưa xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt là bệnh VDNC. Qua đó, từng bước góp phần bảo đảm sản xuất và tốc độ tăng trưởng của ngành Chăn nuôi.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...