Thứ bảy, 20/04/2024, 18:02 [GMT+7]

Vào vụ sản xuất miến dong

Thứ tư, 20/11/2019 - 11:01'
Đã thành thông lệ, thời điểm tháng 11, người dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường) lại bắt tay vào vụ sản xuất miến dong. Năm nay, nhiều hộ đầu tư máy cán sợi nhỏ, mịn để cung cấp ra thị trường sản phẩm miến mềm, dai, mang hương vị đặc trưng của củ dong giềng trên đất Bình Lư.

Bà con bản Thống Nhất (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) phơi miến dong.

Đến bản Thống Nhất thời điểm này, ai cũng dễ dàng nhận thấy người, xe tấp nập khiến thị trường tiêu thụ miến dong “nóng” dần lên. Tư thương hối hả bốc xếp miến lên ôtô tải, mỗi ngày thu mua hàng chục tấn miến dong. Sản phẩm miến dong được người tiêu dùng ưa chuộng. Người dân tất bật không ngơi tay đảo bột, cán sợi, phơi nắng để cho ra những mẻ miến dong chất lượng. Toàn bản có trên 30 hộ duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh miến. Để sản phẩm miến dong ngon, bà con đúc kết kinh nghiệm chọn địa điểm phơi sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời, thiết kế giá phơi để tránh bụi và cách ly độ ẩm. Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy sản xuất miến dong nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và hương vị. Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, bà con duy trì, phát huy làng nghề làm miến cho thu nhập cao. Đơn cử, gia đình anh Trần Duy Tôn hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Trước đây, anh chưa cải tiến công nghệ sản xuất miến dong, năng suất thấp, lợi nhuận không đáng là bao. Năm nay, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy với công suất 70kg/ngày/2 lao động và đầu tư mới hơn 200 phên liếp phơi miến. Từ công nghệ này, gia đình anh thành công với nghề sản xuất, kinh doanh miến dong cho thu nhập cao. Anh Tôn tâm sự: “Tranh thủ thời tiết nắng ấm, từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình tôi vào vụ sản xuất miến dong. Sản phẩm miến của gia đình sợi nhỏ, dẻo dai, thơm ngon và sản xuất miến dong đến đâu, tư thương đặt mua hết đến đó với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg. Tôi không lo đầu ra sản phẩm miến nên yên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Để cung ứng một lượng lớn sản phẩm miến dong cho thị trường trước tết Nguyên đán Canh Tý, thời điểm này, bản Vân Bình cũng sôi động chạy đua với thời gian. Tất cả các khoảng đất trống trước sân, vườn, người dân thiết kế giàn cao để làm nơi phơi miến. Không khí lao động khẩn trương của bà con đưa những phên liếp miến trắng, trong vắt lên giàn phơi cho đủ nắng. Mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để làm nên sợi miến mềm dẻo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của bà con nơi đây gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng và trở thành đặc sản của địa phương. Hiện nay, các hộ làm miến mua tinh bột dong với giá 25 triệu đồng/tấn (tăng từ 2 - 3 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước); nhưng bù lại, bà con có thể bán miến với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg. Sau mỗi vụ miến, hộ lãi ít thu từ 20 - 30 triệu đồng; hộ lãi nhiều thu hàng trăm triệu đồng. Nhờ sản xuất miến dong, nhiều hộ có tiền tích lũy để sửa sang lại nhà và mua sắm thiết bị sinh hoạt hiện đại như: ôtô, xe máy. Theo một số người dân ở bản Vân Bình, sản xuất miến dong phải tuân thủ các quy tắc như: không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không có chất bảo quản, phơi miến tự nhiên dưới trời nắng dịu để sợi dần khô. Khi ăn sợi miến không cứng, có độ giòn tự nhiên, mùi thơm dong giềng.

Thời điểm này, toàn xã Bình Lư có trên 70 hộ đang vào vụ sản xuất miến dong. Các hộ sản xuất miến tập trung nhiều ở các bản: Hoa Lư, Thống Nhất và Vân Bình. Để duy trì nghề làm miến, bà con cập nhật, thay đổi, nâng cao quy trình và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Điểm mới năm nay, nhiều hộ chủ động mua máy nằm làm miến thay cho máy đứng trước đây. Máy nằm có nhiều ưu điểm sợi miến nhỏ, dẻo, dai, giảm sức lao động, tăng sản lượng. Bà con tận dụng thời tiết nắng ấm để sản xuất miến dong đạt chất lượng cao. Khu vực làm miến được bà con vệ sinh sạch sẽ; xếp gọn phên liếp, máy ép và xoong, chảo ngăn nắp. Mỗi ngày, bà con cung ứng ra thị trường hàng chục tấn miến dong, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập gia đình.

Nhắc đến miến dong Bình Lư, ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư nhấn mạnh: “Trước mỗi vụ sản xuất miến dong, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sản xuất, chế biến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm; chọn nước làm miến hợp vệ sinh, rửa sạch dụng cụ trước khi làm miến. Đồng thời, đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm giảm sức lao động, giảm nguồn nhiên liệu và đảm bảo chất lượng, hương vị. Nhờ đó, tạo dựng được sản phẩm miến dong đặc sản của địa phương có thương hiệu trên thị trường”.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...