Thứ năm, 28/03/2024, 15:35 [GMT+7]

Vốn vay – “đòn bẩy” giảm nghèo

Thứ ba, 20/04/2021 - 17:49'
(BLC) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sìn Hồ (NHCSXH) được ví như “đòn bẩy” giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tới xã Noong Hẻo, chúng tôi được Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã dẫn tới “mục sở thị” mô hình chăn nuôi tổng hợp chị Lò Thị Uôn - bản Noong Hẻo 2. Nhìn cơ ngơi bao người mơ ước của chị Uôn chúng tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của chị, bởi trước đây cuộc sống chị rất khó khăn, phải lo từng bữa cơm, manh áo.

Chị Uôn chia sẻ: "Trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. May mắn đến với gia đình khi năm 2016 thông qua Hội LHPN xã tôi được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và nước sạch của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Tôi xây dựng trang trại và mua gà, vịt, ngan, lợn về nuôi, đào ao thả cá. Chỉ sau 3 năm, gia đình tôi đã xây được khu trang trại lớn trên 700m2 và dần trả được ½ số tiền vay. Không dừng lại đó, năm 2019 qua Hội Nông dân xã gia đình tôi được vay thêm 50 triệu đồng. Tôi mua 3 con trâu, 10 con dê giống về nuôi. Giờ trung bình mỗi năm, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Nếu như không có nguồn vốn vay hỗ trợ thì gia đình tôi không có được cơ ngơi như ngày hôm nay, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã”.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh huyện Sìn Hồ giải ngân nguồn vốn vay cho người dân xã Phìn Hồ.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh huyện Sìn Hồ giải ngân nguồn vốn vay cho người dân xã Phìn Hồ.

Phìn Hồ là xã vùng cao cửa ngõ của huyện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn và từng nằm trong tốp xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn toàn huyện. Nhưng đến nay toàn xã chỉ còn 152 hộ nghèo trong tổng số 621 hộ. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý A Dế - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Có được những kết quả tích cực như hôm nay là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH và chủ trương đầu tư phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Hiện tổng dư nợ toàn xã là 14,425 tỷ đồng, với 377 hộ được vay vốn thông qua 2 tổ tiết kiệm và vay vốn là Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên. Xã chỉ đạo 2 tổ tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Từ đó, từng bước giải quyết vấn đề việc làm và giảm nghèo".

Anh Giàng A Hang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Hồ cho biết: “Trước khi cho vay vốn Hội thường xuống từng hộ để khảo sát và đóng góp ý kiến, định hướng cho người dân. Sau khi vốn vay được giải ngân, Hội thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo vốn được sử dụng đúng, tránh việc đầu tư sai mục đích, thất thoát dẫn đến không có khả năng chi trả; tăng cường đôn đốc việc trả lãi, gốc theo định kỳ. Qua kiểm tra thực tế hiện các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích”.

Là một trong những hộ vay vốn được giải ngân giữa tháng 3 vừa qua, anh Lý A Tùng – bản Pa Phang 1 phấn khởi chia sẻ: “Qua Hội Nông dân xã, tôi được vay số tiền 50 triệu đồng. Số tiền đó tôi đầu tư vào nuôi trâu sinh sản. Nguồn lãi thu được, tôi đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tôi thực sự vui và thấy việc triển khai vay vốn ưu đãi này rất hữu ích đối với bà con nghèo như chúng tôi”.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện, tính đến nay tổng dư nợ toàn huyện là hơn 389 tỷ đồng, với 282 tổ tiết kiệm và vay vốn, đã hỗ trợ 9.394 hộ được vay vốn. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn vay hộ sản xuất, kinh doanh đã góp phần mở ra nhiều ngành nghề trên địa bàn, nhiều xưởng sản xuất, mô hình, hợp tác xã và trang trại chăn nuôi, trồng trọt... được hình thành và phát triển. Qua rà soát, hầu hết các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 29,12% năm 2019 xuống còn 23,52% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 31 triệu đồng/người/năm (tăng 4,3 triệu đồng/ người/năm so với năm 2019).

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tăng cường cán bộ tín dụng phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức hội ký ủy thác kiểm tra việc sử dụng vốn vay; tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, để nguồn vốn phát huy được hiệu quả cao thực sự là “đòn bẩy” đắc lực giúp các hộ thoát nghèo, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và làm thay đổi diện mạo nông thôn mới huyện vùng cao.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...