Thứ sáu, 19/04/2024, 09:17 [GMT+7]

Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp

Thứ hai, 19/04/2021 - 15:04'
Những năm gần đây, các sở, ngành, địa phương của tỉnh luôn quan tâm xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng, tiền đề để các địa phương trong tỉnh xây dựng, khẳng định thương hiệu; đồng thời là cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua mang lại những hiệu quả rõ nét. Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường đã đưa ngành Nông nghiệp có thêm bước tiến mới. Tại các địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có quy mô sản xuất lớn; các sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành trong nước ngày một nhiều. Việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng khai thác luôn được các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Bởi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, khẳng định vị trí trên thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Mấy năm gần đây, nhu cầu xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tăng cao. Với vai trò, nhiệm vụ chuyên môn, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định nội dung thực hiện hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và các hoạt động khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung, vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp; tổ chức khảo sát, tư vấn đánh giá, hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Năm 2020, Sở phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương” với 86 học viên là cán bộ, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ SHTT; giúp các địa phương, doanh nghiệp tạo thương hiệu sản phẩm có tính bền vững trên thị trường.

11

Hợp tác xã Thanh Xuân (huyện Than Uyên) quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm gạo séng cù được công nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ năm 2018 để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 34 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp được công nhận bảo hộ quyền SHTT, trong đó có 4 nhãn hiệu tập thể: “Rượu 25” của HTX Hoàng Thanh (thành phố Lai Châu), miến dong của HTX Hoàng Vân (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), “Chè Tân Cương” của HTX Biên Cương (Phong Thổ)…; 6 nhãn hiệu chứng nhận: gạo tẻ râu của huyện Phong Thổ, gạo séng cù của huyện Than Uyên, gạo khẩu ký của huyện Tân Uyên, chè của huyện Tam Đường, Tân Uyên và 24 nhãn hiệu thông thường. 87 hồ sơ được Cục SHTT chấp nhận đơn công nhận bảo hộ quyền SHTT.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên chia sẻ: Gạo séng cù được chứng nhận SHTT năm 2018. Trong quá trình làm hồ sơ trên cơ sở dự án của huyện xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ định hướng, giúp đỡ kết nối huyện với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ SHTT: chỉ dẫn địa lý, quy trình sản xuất… Đồng thời, Sở hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho huyện 900 triệu đồng để thực hiện trong tổng mức đầu tư của dự án 1,4 tỷ đồng.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Thực tế chứng minh, từ khi xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở rộng phát triển trên thị trường trong khu vực, trong nước; nhiều sản phẩm vươn ra được thị trường quốc tế. Điển hình như các loại chè: ôlong, matcha, đông phương mỹ nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường; chè cổ thụ Mồ Sì San của HTX Biên Cương (Phong Thổ)...
Anh Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) cho biết: Năm 2020, sản phẩm chè của HTX được đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ SHTT. Sau hơn 1 năm đăng ký, chè của HTX đã mở rộng được thị trường không chỉ trong tỉnh mà ở các tỉnh như: Hà Nội, Lào Cai, tiêu thụ rất nhiều, sản lượng xuất ra thị trường đạt 2-3 tấn chè khô, tăng gấp đôi so với trước, giá thành bán ra cao hơn, dao động từ 2-3 triệu đồng/kg. Xã Mồ Sì San có trên 2 nghìn cây chè cổ thụ. Cũng nhờ sự phát triển thị trường chè mà bà con ý thức được việc bảo vệ chè và thu hái chè bán cho HTX, đời sống khá hơn trước với thu nhập bình quân đạt 17,5 triệu đồng/người/năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35,19%.
Đặc biệt, sau khi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mối liên kết giữa các hộ dân - HTX - doanh nghiệp tại các địa phương được chú trọng nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm sạch, an toàn. Mỗi đơn vị sản xuất hay địa phương quan tâm, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao để đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm đạt chuẩn về mẫu mã, chất lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên) cho biết: Sau khi HTX tiếp nhận việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu gạo séng cù từ UBND huyện, HTX đầu tư máy sấy, giàn xay xát, mới đây có thêm máy tách màu hạt gạo để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, đều, đẹp. HTX cũng chú trọng liên kết với đơn vị thiết kế ở Thái Nguyên để làm bao bì mẫu mã sản phẩm, có in logo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quy trình, cách bảo quản sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng. Năm 2020, HTX được huyện đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đơn vị đối ứng thêm 800 triệu đồng để xây dựng “Xưởng chế biến công nghệ cao gạo séng cù”, đến nay xưởng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Mỗi năm đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 214 hộ ở 2 xã Hua Nà, Mường Cang, thu mua khoảng 400 tấn thóc. Sản phẩm gạo séng cù của huyện hiện nay đã có mặt tại các chuỗi cửa hàng ở Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai. Nhờ đó, nhiều người tiêu dùng biết đến thương hiệu gạo của Than Uyên, liên hệ trực tiếp để đặt hàng.
Theo ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hiện tại trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng phát triển thương hiệu gắn với chương trình OCOP, tuy nhiên chưa được đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ SHTT. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu là có cơ hội tiêu thụ nhiều hơn, nhất là ở các thị trường khó tính trong nước và nước ngoài. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX thay đổi phương thức từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa, phát triển thương hiệu cho nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...